Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra
Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra là gì? Pháp luật quy định thế nào là nguồn nguy hiểm cao độ? Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp này thế nào?
Nguồn nguy hiểm cao độ là gì?
Khoản 1 Điều 601 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS) quy định Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.
Các đối tượng được coi là nguồn nguy hiểm cao độ
Điều 601 BLDS không đưa ra khái niệm nguồn nguy hiểm cao độ mà chỉ liệt kê các đối tượng được coi là nguồn nguy hiểm cao độ, gồm:
1. Phương tiện giao thông vận tải cơ giới
Khoản 18 Điều 3 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ ( xe cơ giới) gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự. Như vậy, ngoài phương tiện giao thông vận tải cơ giới đường bộ còn có phương tiện giao thông vận tải cơ giới đường sắt, đường thủy, đường hàng không.
2. Hệ thống tải điện
Hệ thống tải điện được hiểu là dây truyền dẫn điện, mô tơ, máy phát điện, cầu dao,..; nhà máy công nghiệp như nhà máy công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ,.. cũng như phương tiện giao thông vận tải cơ giới chỉ được coi là nguồn nguy hiểm cao độ khi nó đang hoạt động, nếu nó ở trạng thái tĩnh thì không tạo nguy hiểm cho những người xung quanh.
3. Vũ khí
Vũ khí bao gồm vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và các loại vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự
Vũ khí quân dụng là vũ khí được chế tạo, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định của Luật này để thi hành công vụ, bao gồm:
– Súng cầm tay bao gồm: súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu;
– Vũ khí hạng nhẹ bao gồm: súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, súng máy phòng không, tên lửa chống tăng cá nhân;
– Vũ khí hạng nặng bao gồm: máy bay chiến đấu, trực thăng vũ trang, xe tăng, xe thiết giáp, tàu chiến, tàu ngầm, pháo mặt đất, pháo phòng không, tên lửa;
– Bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thủy lôi; đạn sử dụng cho các loại vũ khí quy định tại các điểm a, b và c khoản này.
4. Chất cháy, chất nổ
Chất cháy, chất nổ là chất lỏng, chất khí, chất rắn.. dễ gây ra cháy nổ. Chất cháy có đặc tính tự bốc cháy khi tiếp xúc với oxy trong không khí, nước hoặc dưới tác động của các yếu tố khác ở nhiệt độ cao hoặc không cao (diêm, phốt pho, xăng dầu,.)
Chất nổ với khả năng gây nổ mạnh, nhanh tỏa nhiệt và ánh sáng ( thuốc nổ, thuốc pháp, thuốc súng,..)
5. Chất độc
Chất độc là những chất có độc tính cao, rất nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng của con người, động vật cũng như đối với môi trường xung quanh ( các chất độc bảng A như A-cô-ni-tin và các loại muối của nó, kẽm, phốt pho, ni-cô-tin,..)
6. Chất phóng xạ
Khoản 8 Điều 3 Luật Năng lượng nguyên tử 2008 quy định Chất phóng xạ là chất phát ra bức xạ do quá trình phân rã hạt nhân, chuyển mức năng lượng hạt nhân, có hoạt độ phóng xạ riêng hoặc tổng hoạt độ lớn hơn mức miễn trừ. Chất phóng xạ là nhân tố sát thương của vũ khí hạt nhân gồm những đồng vị không bền của các nguyên tố hóa học, có khả năng phát ra những chùm tia phóng xạ không nhìn thấy, gây bệnh hoặc gây nhiễm xạ đối với người, động vật và môi trường sống.
7. Thú dữ
Thú dữ là động vật bậc cao, có lông mao, có tuyến vú, nuôi con bằng sữa, lớn, rất dữ, có thể làm hại người. Ví dụ: hổ, báo, sư tử, gấu,..
Xuất phát từ đặc điểm của nguồn nguy hiểm cao độ là luôn tiềm ẩn trong nó khả năng gây thiệt hại nên BLDS quy định Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật.
Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra được xác định cụ thể như sau:
– Thiệt hại phải do chính nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Ví dụ: xe ô tô đang vận hành bị mất phanh, nổ lốp,.. thú đang biểu diễn xiếc thì nhảy ra gây thiệt hại cho khán giả,..
– Chủ thể phải bồi thường thiệt hại: Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
+ Người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ ( cho thuê, mượn,..) phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra kể cả khi không có lỗi.
Trường hợp loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của chủ sở hữu, người được giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ được loại trừ nếu xuất hiện một trong các lí do sau:
– Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại: lao vào ô tô tự tử, bị thiệt hại trong hành lang an toàn đường sắt như thiệt hại đối với súc vật thả rông, người qua lại,..
– Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật quy định khác.
Xem thêm: Bồi thường thiệt hại trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra
Nguồn nguy hiểm cao độ là loại tài sản đặc biệt luôn tiềm ẩn khả năng gây ra thiệt hại cho những người xung quanh, cho nên việc bảo quản, vận hành, sản xuất phải tuân theo những quy định nghiêm ngặt về an toàn kĩ thuật, trình tự, quy trình vận hành khai thác chúng.
Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại được xác định đối với chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ khi nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thiệt hại kể cả trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu trái pháp luật.
Khoản 4 Điều 601 BLDS quy định:
– Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.
– Khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
Trên đây là nội dung Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey.
Xem thêm: Bồi thường thiệt hại trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng
Nguyên tắc bồi thường bảo hiểm của bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với người thứ ba
Nguyên tắc bồi thường bảo hiểm của bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với người thứ ba được quy định [...]
Quy định về đại diện theo pháp luật trong BLDS 2015
Quy định về đại diện theo pháp luật trong BLDS 2015 như thế nào? Ai là người đại diện theo pháp luật của cá nhân và pháp [...]