Quy định về bồi thường thiệt hại trong lao động theo bộ luật lao động 2012
Quy định về bồi thường thiệt hại trong lao động theo bộ luật lao động 2012
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại nói chung, trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong lao động nói riêng là quan hệ pháp luật, theo đó người gây ra thiệt hại trong những điều kiện mà pháp luật quy định phải bồi thường thiệt hại do hành vi của họ gây ra. Trong thực tế, người sử dụng lao động vẫn nắm được tinh thần của việc bồi thường thiệt hại do người lao động gây ra, nhưng cách áp dụng yêu cầu bồi thường thiệt hại thường vượt ngưỡng quy định của pháp luật. Vì vậy, cả người sử dụng lao động lẫn người lao động cần phải nắm thật kỹ quy định về bồi thường thiệt hại trong lao động để hai bên vừa biết bảo vệ quyền lợi vừa tránh xâm phạm quyền lợi được pháp luật bảo vệ.
1. Điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng:
Điều 130 Bộ luật lao động 2012 quy định về bồi thường thiệt hại như sau:
– Người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Trường hợp người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc, thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương theo quy định: Mức khấu trừ tiền lương hằng tháng không được quá 30% tiền lương hằng tháng của người lao động sau khi trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập.
– Người lao động làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép thì phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường; trường hợp có hợp đồng trách nhiệm thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm; trường hợp do thiên tai, hoả hoạn, địch họa, dịch bệnh, thảm họa, sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì không phải bồi thường.
Theo quy định trên, khi trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong lao động phát sinh thì cần phải có đủ các điều kiện sau:
Thứ nhất, có hành vi trái kỷ luật lao động hoặc các cam kết, thỏa thuận trong quan hệ lao động
Thứ hai, có thiệt hại về tài sản cho người sử dụng lao động. Thiệt hại về tài sản cho người sử dụng lao động là điều kiện bắt buộc cho việc áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Thứ ba, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái kỷ luật lao động hoặc hợp đồng trách nhiệm và thiệt hại xảy ra. Nói cách khác, nguyên nhân của thiệt hại chính là hành vi trái kỷ luật lao động hoặc hợp đồng trách nhiệm của người lao động.
Thứ tư, có lỗi của người vi phạm. Người lao động bị coi là có lỗi khi họ có thể lựa chọn hành vi xử sự khác phù hợp nhưng vẫn thực hiện hành vi trái với kỷ luật lao động hoặc hợp đồng trách nhiệm, gây thiệt hại cho người sử dụng lao động. Người lao động được coi là không có lỗi nếu gây ra thiệt hại trong trường hợp bất khả kháng.
2. Các trường hợp bồi thường thiệt hại trong hợp đồng:
Điều 130 Bộ luật lao động 2012 quy định hai trường hợp bồi thường thiệt hại vật chất cho người sử dụng lao động. Đó là trường hợp người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản và trường hợp người lao động làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép
2.1. Người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động
Pháp luật không quy định cụ thể hành vi làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị, hành vi khác gây thiệt hại về tài sản của người sử dụng lao động, không quy định mức bồi thường bao nhiêu, cách bồi thường như thế nào, mà trao quyền cho người sử dụng lao động quyết định và quy định trước trong nội quy lao động.
Riêng với trường hợp người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất (lỗi vô ý, không cố ý) với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc, thì pháp luật quy định mức bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào tiền lương với mức không quá 30% tiền lương tháng của người lao động sau khi trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập (khoản 3 Điều 101). Còn mức bồi thường và cách thức bồi thường trong trường hợp cụ thể do người sử dụng lao động quy định trong nội quy lao động hoặc quyết định sau khi tiến hành xử lý bồi thường thiệt hại vật chất.
2.2. Người lao động làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động
Trong trường hợp này có 3 trường hợp nhỏ xảy ra:
Thứ nhất, người lao động làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác dô người sử dụng lao động giao hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép thì pháp luật cho phép người sử dụng lao động được lựa chọn yêu cầu người lao động bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường.
Thứ hai, trường hợp giữa hai bên ký hợp đồng trách nhiệm thì người lao động phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm. Thực chất đây là việc bồi thường thiệt hại về tài sản theo sự cam kết, thực hiện trách nhiệm dân sự. Khi người sử dụng lao động giao cho ngườ ilao động bảo quản, sử dụng tài sản có giá trị tương đối lớn thì pháp luật lao động cho phép hai bên ký hợp đồng trách nhiệm nhằm tăng cường trách nhiệm của người lao động trong việc bảo vệ tài sản của người sử dụng lao động và làm căn cứ để bồi thường nếu người lao động gây thiệt hại. Vì vậy, việc bồi thường thiệt hại này hoàn toàn do các bên thỏa thuận trong hợp đồng trách nhiệm.
Thứ ba, trường hợp do thiên tai, hỏa hoạn,… (lý do bất khả kháng) thì người lao động không phải bồi thường. Trường hợp này người lao động không có lỗi, và vì thế không có căn cứ để buộc họ phải bồi thường. Tuy nhiên, việc Bộ luật lao động quy định trường hợp này ở khoản 2 Điều 130 Bộ luật lao động 2012 lại không hợp lý bởi dễ gây ra cách hiểu rằng lý do bất khả kháng mà người lao động không phải bồi thường chỉ đặt ra cho các trường hợp quy định ở khoản 2 Điều 130 mà không áp dụng cho các trường hợp quy định ở khoản 1 Điều 130. Vì vậy, nên tách trường hợp này thành một khoản riêng để vừa có cách hiểu thống nhất, từ đó giúp các đơn vị sử dụng lao động áp dụng hiệu quả trên thực tiễn.
Trên đây là nội dung Quy định về bồi thường thiệt hại trong hợp đồng lao động LawKey gửi đến bạn đọc.
Lao động nữ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản tối đa trong bao lâu?
Hiện nay, pháp luật quy định lao động nữ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản tối đa trong bao lâu thì sẽ làm [...]
Giao kết hợp đồng lao động với người lao động có làm việc ở nơi khác
Giao kết hợp đồng lao động với người lao động đang làm việc ở nơi khác Theo quy định tại Bộ luật lao động 2012, Người [...]