Cá nhân xin xác nhận sơ yếu lý lịch ở đâu? theo đúng quy định pháp luật
Cá nhân xin xác nhận sơ yếu lý lịch ở đâu? Pháp luật hiện hành quy định cá nhân xin xác nhận sơ yếu lý lịch có cần về nơi cư trú không? Cùng Lawkey tìm hiểu nội dung này qua bài viết dưới đây
Tóm tắt câu hỏi:
Xin luật sư cho hỏi tôi cần xác nhận sơ yếu lý lịch thì tôi đến đâu? Tôi có phải đến UBND nơi tôi thường trú để xin xác nhận không?
Luật sư tư vấn:
Công ty TNHH Tư vấn LawKey Việt Nam cảm ơn anh/chị đã tin tưởng khi gửi câu hỏi đến LawKey. Với thắc mắc của anh/chị, luật sư LawKey tư vấn như sau:
Một số vấn đề pháp lý liên quan
Chứng thực chữ ký là gì?
Khoản 3 Điều 2 Nghị định 23/2015/ NĐ-CP quy định Chứng thực chữ ký là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản là chữ ký của người yêu cầu chứng thực.
Thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực
Phòng Tư pháp
Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh ( Phòng Tư pháp) có thẩm quyền và trách nhiệm:
– Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam liên kết với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc chứng nhận;
– Chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản;
– Chứng thực chữ ký của người dịch trong các giấy tờ, văn bản từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài;
– Chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản;
– Chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản mà di sản là động sản.
Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng Tư pháp thực hiện chứng thực các việc quy định nêu trên, ký chứng thực và đóng dấu của Phòng Tư pháp.
Ủy ban nhân dân cấp xã
Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn ( Ủy ban nhân dân cấp xã) có thẩm quyền và trách nhiệm:
– Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận;
– Chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản, trừ việc chứng thực chữ ký người dịch;
– Chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản;
– Chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai;
– Chứng thực hợp đồng, giao dịch về nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở;
– Chứng thực di chúc;
– Chứng thực văn bản từ chối nhận di sản;
– Chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản mà di sản là tài sản là động sản, quyền của người sử dụng đất và nhà ở.
Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện ký chứng thực và đóng dấu của Ủy ban nhân dân cấp xã.
Lưu ý, Việc chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản, chứng thực di chúc quy định nêu trên không phụ thuộc vào nơi cư trú của người yêu cầu chứng thực.
Các trường hợp chứng thực chữ ký
Khoản 4 Điều 24 Nghị định 23/2015 quy định Thủ tục chứng thực chữ ký được áp dụng đối với các trường hợp sau đây:
– Chứng thực chữ ký của nhiều người trong cùng một giấy tờ, văn bản;
– Chứng thực chữ ký của người khai lý lịch cá nhân;
– Chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản do cá nhân tự lập theo quy định của pháp luật;
– Chứng thực chữ ký trong Giấy ủy quyền đối với trường hợp ủy quyền không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền và không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản.
Trường hợp không được chứng thực chữ ký
1. Tại thời điểm chứng thực, người yêu cầu chứng thực chữ ký không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình.
2. Người yêu cầu chứng thực chữ ký xuất trình Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu không còn giá trị sử dụng hoặc giả mạo.
3. Giấy tờ, văn bản mà người yêu cầu chứng thực ký vào có nội dung trái pháp luật, đạo đức xã hội; tuyên truyền, kích động chiến tranh, chống chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử của dân tộc Việt Nam; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức; vi phạm quyền công dân.
4. Giấy tờ, văn bản có nội dung là hợp đồng, giao dịch, trừ các trường hợp Chứng thực chữ ký trong Giấy ủy quyền đối với trường hợp ủy quyền không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền và không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản
Đối chiếu với câu hỏi của anh/chị
Trường hợp anh/chị xin xác nhận sơ yếu lý lịch được quy định là chứng thực chữ ký của người khai lý lịch cá nhân theo điểm d Khoản 4 Điều 24 Nghị định 23/2015. Mà Khoản 5 Điều 5 Nghị định này quy định Việc chứng thực chữ ký không phụ thuộc vào nơi cư trú của người yêu cầu chứng thực.
Do đó, anh/chị có thể đến các cơ quan có thẩm quyền chứng thực để chứng thực mà không cần phải chứng thực tại nơi cư trú, cụ thể, anh/chị có thể đến các cơ quan sau để chứng thực sơ yếu lý lịch:
– Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh
– Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn
Khi đi chứng thực, anh/chị cần phải xuất trình các giấy tờ sau đây:
– Bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng;
– Sơ yếu lý lịch anh/chị cần chứng thực
Trên đây là nội dung Cá nhân xin xác nhận sơ yếu lý lịch ở đâu? theo quy định hiện hành Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey.
Hiểu thế nào về tạm dừng đóng BHXH cho doanh nghiệp vì dịch Covid?
Trước tình hình dịch Covid 19 diễn biến phức tạp, Thủ tướng đã ban hành chỉ thị 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp [...]
Thời hạn giải quyết tai nạn giao thông đường bộ mới nhất
Thông tư 63/2020/TT-BCA quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của lực lượng Cảnh sát giao [...]