Các hành vi bị nghiêm cấm trong kiểm soát thủ tục hành chính
Các hành vi bị nghiêm cấm trong kiểm soát thủ tục hành chính được quy định tại Nghị định 63/2010/NĐ-CP. Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Thủ tục hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính là gì?
Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 63/2010/NĐ-CP thì thủ tục hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính là:
- Thủ tục hành chính là trình tự, cách thức thực hiện, hồ sơ và yêu cầu, điều kiện do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định để giải quyết một công việc cụ thể liên quan đến cá nhân, tổ chức.
- Kiểm soát thủ tục hành chính là việc xem xét, đánh giá, theo dõi nhằm bảo đảm tính khả thi của quy định về thủ tục hành chính, đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện thủ tục hành chính.
Các hành vi bị nghiêm cấm trong kiểm soát thủ tục hành chính
Các hành vi bị nghiêm cấm trong kiểm soát thủ tục hành chính được quy định cụ thể tại Điều 6 Nghị định 63/2010/NĐ-CP bao gồm:
♣ Nghiêm cấm cán bộ, công chức được phân công thực hiện thủ tục hành chính thực hiện các hành vi sau đây:
Tiết lộ thông tin về hồ sơ tài liệu và các thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân của đối tượng thực hiện thủ tục hành chính mà mình biết được khi thực hiện thủ tục hành chính, trừ trường hợp được đối tượng thực hiện thủ tục hành chính đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác; sử dụng thông tin đó để xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;
Từ chối thực hiện, kéo dài thời gian thực hiện hoặc tự ý yêu cầu bổ sung thêm hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định mà không nêu rõ lý do bằng văn bản;
Hách dịch, cửa quyền, sách nhiễu, gây phiền hà, gây khó khăn cho đối tượng thực hiện thủ tục hành chính; lợi dụng các quy định, các vướng mắc về thủ tục hành chính để trục lợi;
Nhận tiền hoặc quà biếu dưới bất cứ hình thức nào từ đối tượng thực hiện thủ tục hành chính khi tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính ngoài phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính đã được quy định và công bố công khai;
Đùn đẩy trách nhiệm, thiếu hợp tác, chậm trễ, gây cản trở trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
♣ Nghiêm cấm đối tượng thực hiện thủ tục hành chính cản trở hoạt động của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền; đưa hối lộ hoặc dùng các thủ đoạn khác để lừa dối cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong thực hiện thủ tục hành chính.
♣ Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi cản trở hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính.
Các nguyên tắc trong kiểm soát thủ tục hành chính
Theo Điều 4 Nghị định 63/2010/NĐ-CP (sửa đổi khoản 1 Điều 1 Nghị định 92/2017/NĐ-CP) thì các nguyên tắc trong kiểm soát thủ tục hành chính bao gồm:
♣ Kiểm soát thủ tục hành chính phải bảo đảm thực hiện có hiệu quả mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, cải cách hành chính;
Bảo đảm điều phối, huy động sự tham gia tích cực, rộng rãi của tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân vào quá trình kiểm soát thủ tục hành chính.
♣ Kịp thời phát hiện để loại bỏ hoặc chỉnh sửa thủ tục hành chính không phù hợp, phức tạp, phiền hà;
Bổ sung thủ tục hành chính cần thiết, đáp ứng nhu cầu thực tế;
Bảo đảm quy định thủ tục hành chính đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của đối tượng và cơ quan thực hiện thủ tục hành chính.
♣ Kiểm soát thủ tục hành chính được thực hiện ngay từ khi đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và được tiến hành thường xuyên, liên tục trong quá trình tổ chức thực hiện thủ tục hành chính.
>>Xem thêm: Các thủ tục hành chính yêu cầu phải có Phiếu lý lịch tư pháp
Trên đây là bài viết tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vấn đề gì thắc mắc, vui lòng liên hệ LawKey hoặc có thể sử dụng dịch vụ Luật sư tư vấn của chúng tôi.
Quy trình hủy giá trị hộ chiếu đối với người bị tước quốc tịch Việt Nam
Việc hủy hộ chiếu có thể được diễn ra khi người nào đó bị tước quốc tịch Việt Nam. Quy trình hủy giá trị hộ chiếu [...]
Thẩm quyền, thủ tục quyết định thuê tài sản phục vụ hoạt động của CQNN
Pháp luật quy định về thẩm quyền và trình tự, thủ tục quyết định thuê tài sản phục vụ hoạt động của cơ quan nhà [...]