Các trường hợp chấm dứt tư cách thành viên tổ hợp tác
Thành viên tổ hợp tác phải đáp ứng các điều kiện cụ thể theo quy định tại Nghị định 77/2019/NĐ-CP. Các thành viên này sau khi gia nhập có thể bị chấm dứt tư cách thành viên. Dưới đây là các trường hợp chấm dứt tư cách thành viên tổ hợp tác.
Các trường hợp chấm dứt tư cách thành viên tổ hợp tác
Tư cách thành viên tổ hợp tác bị chấm dứt khi xảy ra một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định 77/2019/NĐ-CP, bao gồm:
– Tổ hợp tác chấm dứt hoạt động;
– Thành viên tổ hợp tác là cá nhân chết, hoặc bị tòa án tuyên bố là đã chết, trừ trường hợp những người thừa kế có nguyện vọng tham gia tổ hợp tác và được đa số các thành viên tổ hợp tác chấp nhận;
– Thành viên tổ hợp tác là pháp nhân chấm dứt tồn tại, trừ trường hợp pháp nhân bị chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi mà phần vốn góp được thừa kế theo quy định;
– Thành viên tổ hợp tác tự nguyện rút khỏi tổ hợp tác khi có lý do chính đáng và được hơn 50% thành viên tổ hợp tác đồng ý;
– Thành viên tổ hợp tác vi phạm nghiêm trọng quy định của hợp đồng hợp tác và pháp luật khác có liên quan.
Xem thêm: Điều kiện để trở thành thành viên tổ hợp tác mới nhất
Trình tự, thủ tục thực hiện
Nghị định 77/2019/NĐ-CP về tổ hợp tác không có quy định bắt buộc về trình tự, thủ tục chấm dứt tư cách thành viên của tổ hợp tác. Theo đó, thành viên tổ hợp tác tự thỏa thuận về thẩm quyền quyết định, quy trình chấm dứt tư cách thành viên tổ hợp tác và ghi vào hợp đồng hợp tác.
Trong trường hợp hợp đồng hợp tác không quy định cụ thể, việc chấm dứt tư cách thành viên tổ hợp tác đối với trường hợp thành viên tự nguyện rút khỏi tổ chức hoặc do vi phạm nghiêm trọng quy định của hợp đồng hợp tác và pháp luật khác thì được thực hiện như sau:
Bước 1:
Tổ trưởng tổ hợp tác (hoặc người được các thành viên tổ hợp tác ủy quyền) tổng hợp và đề xuất danh sách các thành viên tổ hợp tác bị chấm dứt tư cách thành viên tại cuộc họp thành viên gần nhất để các thành viên tổ hợp tác xem xét, quyết định;
Bước 2:
Tư cách thành viên tổ hợp tác sẽ bị chấm dứt nếu có hơn năm mươi phần trăm (50%) tổng số thành viên tổ hợp tác tán thành và được ghi vào biên bản cuộc họp, ghi cụ thể tỷ lệ phần trăm (%) số thành viên tán thành;
Bước 3:
Tổ trưởng tổ hợp tác (hoặc người được các thành viên tổ hợp tác ủy quyền) thay mặt tổ hợp tác thông báo cho toàn thể thành viên tổ hợp tác về việc chấm dứt tư cách thành viên, gạch tên thành viên ra khỏi tổ hợp tác trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức cuộc họp thành viên tổ hợp tác.
Hậu quả pháp lý của việc chấm dứt tư cách thành viên
Khi chấm dứt thành viên tổ hợp tác thì cần lưu ý một số vấn đề pháp lý quy định tại Điều 11 Nghị định 77/2019/NĐ-CP như sau:
♣ Việc chấm dứt tư cách thành viên tổ hợp tác không làm chấm dứt quyền, nghĩa vụ của cá nhân, pháp nhân này được xác lập, thực hiện trước thời điểm rút khỏi hợp đồng hợp tác.
♣Trường hợp thành viên tổ hợp tác bị chấm dứt tư cách thành viên do vi phạm nghiêm trọng hợp đồng hợp tác hoặc pháp luật có liên quan thì được xác định là bên vi phạm hợp đồng và phải thực hiện trách nhiệm dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự, luật khác có liên quan.
♣ Quyền và nghĩa vụ của các thành viên tổ hợp tác bị chấm dứt tư cách thành viên được các thành viên tự thỏa thuận và ghi trong hợp đồng hợp tác. Trường hợp hợp đồng hợp tác không quy định thì thực hiện theo quy định tại Điều 26 Nghị định này về việc trả lại phần đóng góp cho các thành viên.
Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về “Các trường hợp chấm dứt tư cách thành viên tổ hợp tác” gửi đến bạn đọc. Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào, bạn hãy liên hệ với chúng tôi để được giải đáp.
Mẫu tờ khai yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp dùng cho cá nhân
Phiếu lý lịch tư pháp số 1 được cấp cho cá nhân khi có yêu cầu. Vậy mẫu tờ khai yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp [...]
03 nghĩa vụ phải thực hiện với người được đặc xá
Nghĩa vụ phải thực hiện với người được đặc xá được quy định như thế nào theo Luật Đặc xá 2018? Hãy cùng LawKey [...]