Các trường hợp chứng thực chữ ký trên Giấy ủy quyền
Khi nào được chứng thực chữ ký trên Giấy ủy quyền? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Các trường hợp được chứng thực chữ ký trên Giấy ủy quyền
Theo khoản 2 Điều 14 Thông tư 01/2020/TT-BTP quy định có 04 trường hợp được chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền đó là:
- Ủy quyền về việc nộp hộ, nhận hộ hồ sơ, giấy tờ, trừ trường hợp pháp luật quy định không được ủy quyền;
- Ủy quyền nhận hộ lương hưu, bưu phẩm, trợ cấp, phụ cấp;
- Ủy quyền nhờ trông nom nhà cửa;
- Ủy quyền của thành viên hộ gia đình để vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội.
Ngoài ra, theo quy định việc ủy quyền không thuộc một trong các trường hợp trên thì không được yêu cầu chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền. Người yêu cầu chứng thực phải thực hiện các thủ tục theo quy định về chứng thực hợp đồng, giao dịch.
Điều kiện thực hiện thủ tục chứng thực chữ ký trên Giấy ủy quyền
Theo khoản 1 Điều 14 Thông tư 01/2020/TT-BTP quy định về thủ tục thực hiện chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền chỉ được thực hiện khi thỏa mãn đầy đủ các điều kiện như sau:
- Không có thù lao;
- Không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền;
- Không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản.
Thủ tục thực hiện chứng thực chữ ký trên Giấy ủy quyền
Theo Điều 24 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định thủ tục chứng thực chữ ký trên Giấy ủy quyền như sau:
Về hồ sơ
Người yêu cầu chứng thực chữ ký của mình phải xuất trình các giấy tờ sau đây:
1. Bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng;
2. Giấy tờ, văn bản mà mình sẽ ký.
Về thủ tục
♠ Người thực hiện chứng thực kiểm tra giấy tờ yêu cầu chứng thực, nếu thấy đủ giấy tờ theo quy định như trên, tại thời điểm chứng thực, người yêu cầu chứng thực minh mẫn, nhận thức và làm chủ được hành vi của mình và việc chứng thực không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 25 của Nghị định này thì yêu cầu người yêu cầu chứng thực ký trước mặt và thực hiện chứng thực như sau:
- Ghi đầy đủ lời chứng chứng thực chữ ký theo mẫu quy định;
- Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu của cơ quan, tổ chức thực hiện chứng thực và ghi vào sổ chứng thực.
Lưu ý: Đối với giấy tờ, văn bản có từ (02) hai trang trở lên thì ghi lời chứng vào trang cuối, nếu giấy tờ, văn bản có từ 02 (hai) tờ trở lên thì phải đóng dấu giáp lai.
♠ Đối với trường hợp chứng thực chữ ký tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông thì công chức tiếp nhận hồ sơ kiểm tra các giấy tờ.
Nếu nhận thấy người yêu cầu chứng thực có đủ điều kiện thì đề nghị người yêu cầu chứng thực ký vào giấy tờ cần chứng thực và chuyển cho người có thẩm quyền ký chứng thực.
Lưu ý: Theo quy định tại Điều 8 Thông tư 01/2020/TT-BTP quy định về trách nhiệm khi tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông như sau:
Khi tiếp nhận hồ sơ chứng thực chữ ký, chứng thực hợp đồng, giao dịch tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông:
- Người tiếp nhận hồ sơ (công chức của Phòng Tư pháp, công chức tư pháp – hộ tịch của Ủy ban nhân dân cấp xã) có trách nhiệm kiểm tra kỹ hồ sơ, tính xác thực về chữ ký của người yêu cầu chứng thực. Người tiếp nhận hồ sơ phải bảo đảm người yêu cầu chứng thực chữ ký minh mẫn, nhận thức và làm chủ được hành vi của mình;
- Các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có năng lực hành vi dân sự, tự nguyện giao kết hợp đồng, giao dịch.
>>Xem thêm: Thủ tục chứng thực chữ ký người dịch
Trên đây là bài viết về: Các trường hợp chứng thực chữ ký trên Giấy ủy quyền. Nếu còn vấn đề gì thắc mắc, vui lòng liên hệ LawKey hoặc có thể sử dụng dịch vụ Luật sư tư vấn của chúng tôi.
Quy định pháp luật về các trường hợp miễn thuế, giảm thuế
Các trường hợp miễn thuế, giảm thuế; hồ sơ miễn thuế, giảm thuế và giải quyết hồ sơ miễn thuế, giảm thuế được [...]
Thủ tục công chứng hợp đồng được thực hiện như thế nào?
Công chứng hợp đồng là một trong những dịch vụ công chứng chủ yếu hiện nay. Vậy thủ tục công chứng hợp đồng được [...]