Các trường hợp đình công bất hợp pháp
Đình công là quyền của người lao động (NLĐ) nhưng quyền đó không phải được thực hiện một cách tự do, không có giới hạn. Pháp luật Việt Nam đã đưa ra quy định về các trường hợp đình công bất hợp pháp. Để từ đó định hướng các cuộc đình công vào trong khuôn khổ pháp luật.
Hãy cùng chiakhoaphapluat.vn đi vào tìm hiểu các trường hợp đình công bất hợp pháp. Điều 215 Bộ luật lao động 2012 quy định, gồm các trường hợp sau đây:
Thứ nhất, đình công không phát sinh từ tranh chấp lao động tập thể về lợi ích
Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích là những tranh chấp những xảy ra trong trường hợp không có sự vi phạm. Và thông thường NLĐ đòi hỏi quyền lợi cao hơn so với các quy định hoặc thỏa thuận hợp pháp trong đơn vị.
Trước đây, BLLĐ sửa đổi bổ sung năm 2006 quy định đình công có thể phát sinh cả từ tranh chấp lao động tập thể về quyền và về lợi ích. Tuy nhiên Bộ luật lao động 2012 đã thu hẹp phạm vi quyền đình công của NLĐ. Và chỉ ghi nhận tính hợp pháp của những cuộc đình công phát sinh từ tranh chấp lao động tập thể về lợi ích. Sự thay đổi như trên là hoàn toàn hợp lý về mặt lý luận và thực tiễn. Bởi:
Tranh chấp lao động tập thể về quyền là tranh chấp trong trường hợp có sự vi phạm nên hoàn toàn có căn cứ để các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Do đó các bên có thể khởi kiện ra tòa để yêu cầu Tòa án giải quyết. Còn tranh chấp lao động về lợi ích xảy ra khi NLĐ muốn đòi hỏi một môi trường làm việc tốt hơn so với quy định của pháp luật hay thỏa ước lao động mà không hề có sự vi phạm, do đó không có căn cứ để yêu cầu Tòa án giải quyết.
Vì vậy, tranh chấp về lợi ích không thể giải quyết bằng con đường Tòa án mà phải để cho NLĐ sử dụng biện pháp đấu tranh kinh tế, đó chính là đình công nhằm gây sức ép buộc NSDLĐ phải chấp nhận yêu sách của tập thể NLĐ. Pháp luật không khuyến khích NLĐ đình công, mà quy định theo hướng đình công là biện pháp cuối cùng mà NLĐ có thể sử dụng để bảo vệ quyền lợi cho mình.
Thứ hai, tổ chức cho những NLĐ không cùng làm việc cho một NSDLĐ đình công
Trường hợp này nhằm hạn chế những cuộc đình công hưởng ứng, đình công ủng hộ. Đồng thời gián tiếp không thừa nhận đình công trong một phạm vi ngành hay trong phạm vi một khu vực. Dưới góc độ quản lý Nhà nước, thì quy định này là hợp lý và dễ hiểu. Nhằm hạn chế những tác động gây bất ổn về chính trị, xã hội của đất nước, hạn chế sự ảnh hưởng của các cuộc đình công, khoanh vùng phạm vi đình công.
Thứ ba, khi vụ việc tranh chấp lao động tập thể chưa được hoặc đang được cơ quan, tổ chức, cá nhân giải quyết theo quy định của Bộ luật này.
Theo quy định của BLLĐ 2012, trước khi tập thể NLĐ tiến hành đình công, tranh chấp lao động tập thể về lợi ích phải được giải quyết bởi Hòa giải viên lao động và Hội đồng trọng tài lao động. Khi tranh chấp này chưa được giải quyết hoặc đang được giải quyết thì tập thể lao động không được tổ chức đình công. Nếu vi phạm quy định về thời điểm đình công nêu trên, cuộc đình công được coi là bất hợp pháp.
Trên thực tế, quy định này hầu như không được tuân thủ. Thông thường, ngay khi có mâu thuẫn, bất đồng với NSDLĐ thì tập thể lao động đã rời bỏ vị trí làm việc, tụ tập với số lượng lớn và đưa ra yêu sách. Đa phần NLĐ mong muốn sử dụng đình công để gây hậu quả “tức thời” và nhanh chóng. Thực tế, một số yêu sách của NLĐ được NSDLĐ đáp ứng một phần nhưng NLĐ vẫn không đồng ý, thêm vào đó họ lại không muốn đưa vụ tranh chấp ra hòa giải và sử dụng ngay “vũ khí” đình công.
Thứ tư, đình công tiến hành tại doanh nghiệp không được đình công thuộc danh mục do chính phủ quy định.
Do tính chất quan trọng và tầm ảnh hưởng lớn của các doanh nghiệp phục vụ cho hoạt động thiết yếu của nền kinh tế quốc dân nên pháp luật không cho đình công. Nếu tập thể lao động đình công ở những doanh nghiệp này sẽ bị coi là bất hợp pháp. Theo quy định của pháp luật, ở các doanh nghiệp này, cơ quan quản lý nhà nước phải định kỳ tổ chức lắng nghe ý kiến của tập thể NLĐ và NSDLĐ để kịp thời giúp đỡ và giải quyết các yêu cầu chính đáng của tập thể lao động.
Thứ năm, đình công khi đã có quyết định hoãn hoặc ngừng đình công.
Khi đã có quyết định hoãn hay ngừng đình công của Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh nơi diễn ra đình công thì tập thể NLĐ phải ngừng ngay việc đình công. Nếu vấn tiếp tục tiến hành đình công thì cuộc đình công là bất hợp pháp. Quy định này là hợp lý để bảo vệ lợi ích chung của cộng đồng trong những trường hợp cần thiết.
Như vậy, theo BLLĐ 2012 đình công thuộc một trong năm trường hợp trên sẽ bị coi là bất hợp pháp.
Trên đây là Các trường hợp đình công bất hợp pháp LawKey gửi đến bạn đọc. Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn chi tiết hơn về trường hợp cửa bạn.
Quy định về lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức cá nhân nước ngoài tại Việt Nam
QUY ĐỊNH VỀ LAO ĐỘNG VIỆT NAM LÀM VIỆC CHO TỔ CHỨC CÁ NHÂN NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM Theo Bộ luật lao động 2012, Công [...]
Quyền lợi người lao động được hưởng khi công ty phá sản
Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động do phá sản như thế nào? Quyền lợi của người [...]