Các trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện
Khái niệm thời hiệu được quy định như thế nào? Có những loại thời hiệu nào? Thời hiệu khởi kiện là gì? Các trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện được quy định như thế nào?
Khái niệm thời hiệu
Điều 149 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS) quy định Thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định.
Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc.
Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ.
Thời hiệu được tính từ thời điểm bắt đầu ngày đầu tiên của thời hiệu và chấm dứt tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hiệu.
Các loại thời hiệu
Thời hiệu khởi kiện
Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.
Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự
Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là thời hạn mà chủ thể được quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền yêu cầu.
Thời hiệu hưởng quyền dân sự
Thời hiệu hưởng quyền dân sự là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó thì chủ thể được hưởng quyền dân sự.
Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự
Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó thì người có nghĩa vụ dân sự được miễn việc thực hiện nghĩa vụ.
Xem thêm: Các loại thời hiệu theo quy định của Bộ luật dân sự 2015
Bắt đầu thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự
Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được tính từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được tính từ ngày phát sinh quyền yêu cầu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Xem thêm: Cách tính thời hiệu theo quy định của pháp luật hiện nay
Các trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện
Điều 155 BLDS quy định thời hiệu khởi kiện không áp dụng trong trường hợp sau đây:
1. Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản.
2. Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp BLDS, luật khác có liên quan quy định khác.
3. Tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai.
4. Trường hợp khác do luật quy định.
Điều 23 Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP đã quy định chi tiết về nội dung này, cụ thể:
1. Đối với tranh chấp dân sự mà văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thời hiệu khởi kiện thì áp dụng thời hiệu khởi kiện được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật đó.
Ví dụ: Đối với tranh chấp về chia di sản thừa kế, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác thì thời hiệu khởi kiện là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
2. Đối với các tranh chấp dân sự sau đây thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện:
a) Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản là tranh chấp ai có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản đó;
Ví dụ: Tranh chấp ai có quyền sở hữu nhà ở; nếu có khởi kiện thì Tòa án thụ lý vụ án; việc chấp nhận hay không phải căn cứ vào các quy định của pháp luật.
b) Tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu là tranh chấp về tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của mình nhưng do người khác quản lý, chiếm hữu tài sản đó;
Ví dụ: Ngôi nhà thuộc quyền sở hữu của A nhưng do B đang quản lý; A có tài liệu chứng minh ngôi nhà thuộc quyền sở hữu của A và khởi kiện đòi nhà thì Tòa án thụ lý; việc chấp nhận hay không phải căn cứ vào các quy định của pháp luật.
c) Tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai là tranh chấp ai có quyền sử dụng đất đó.
3. Đối với tranh chấp dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự (hợp đồng vay tài sản, hợp đồng gửi giữ tài sản, thuê tài sản, thuê khoán tài sản, hợp đồng gia công, hợp đồng vận chuyển, hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất, hợp đồng thuê quyền sử dụng đất, hợp đồng thuê lại quyền sử dụng đất), thì giải quyết như sau:
a) Đối với tranh chấp phát sinh từ giao dịch dân sự thì áp dụng thời hiệu quy định trong văn bản quy phạm pháp luật tương ứng đối với loại giao dịch đó.
Ví dụ: Tranh chấp về hợp đồng thuê nhà thì thời hiệu khởi kiện đối với hợp đồng cho thuê tài sản thì thời hiệu khởi kiện là 02 năm.
b) Đối với tranh chấp về quyền sở hữu tài sản, về đòi lại tài sản, đòi lại quyền sử dụng đất do người khác quản lý, chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện.
Ví dụ: Ngày 01-01-2017, A cho B vay 500 triệu đồng, thời hạn vay là 1 năm. Đến ngày 01-01-2018, B không trả tiền gốc và tiền lãi. Đến ngày 03-4-2019, A khởi kiện yêu cầu buộc B trả lại khoản tiền gốc và tiền lãi. Đối với yêu cầu thanh toán khoản tiền lãi thì Tòa án không giải quyết vì đã hết thời hiệu khởi kiện. Đối với yêu cầu thanh toán khoản tiền gốc thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện, Tòa án thụ lý giải quyết theo thủ tục chung.
4. Đối với tranh chấp dân sự mà văn bản quy phạm pháp luật không có quy định về thời hiệu khởi kiện và hướng dẫn tại mục 2 và mục b mục 3, thì thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là hai năm, kể từ ngày cá nhân, cơ quan, tổ chức biết được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Ví dụ: Điều 111 Luật Đường sắt quy định “Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu giải quyết tranh chấp về hợp đồng trong hoạt động kinh doanh đường sắt được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự và pháp luật về trọng tài thương mại”.
5. Thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện được tính kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước bị xâm phạm và được xác định như sau:
a) Đối với nghĩa vụ dân sự mà các bên có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định thời hạn thực hiện:
Nếu hết thời hạn đó mà bên có nghĩa vụ không thực hiện, thì ngày hết hạn thực hiện nghĩa vụ là ngày xảy ra xâm phạm.
b) Đối với nghĩa vụ dân sự mà các bên không thoả thuận hoặc pháp luật không quy định thời hạn thực hiện:
Theo quy định của pháp luật các bên có thể thực hiện nghĩa vụ hoặc yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bất cứ lúc nào nhưng phải thông báo cho nhau biết trước trong một thời gian hợp lý, nếu hết thời hạn đã được thông báo đó bên có nghĩa vụ không thực hiện, thì ngày hết thời hạn đã được thông báo là ngày xảy ra xâm phạm;
c) Trường hợp khi hết hạn thực hiện nghĩa vụ dân sự:
Các bên có thoả thuận kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ đó, thì việc xác định ngày quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm căn cứ vào ngày chấm dứt thoả thuận của các bên và được thực hiện như hướng dẫn tại mục a và mục b mục 5;
d) Trong quá trình thực hiện hợp đồng có vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng:
Trong quá trình thực hiện hợp đồng mà có vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng, thì ngày vi phạm nghĩa vụ là ngày xảy ra xâm phạm, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác. Nếu một bên đơn phương đình chỉ hợp đồng thì ngày đơn phương đình chỉ hợp đồng là ngày bị xâm phạm.
đ) Trường hợp đòi bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm tài sản, sức khoẻ, tính mạng
Đối với trường hợp đòi bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm tài sản, sức khoẻ, tính mạng,… thì ngày xảy ra hành vi xâm phạm tài sản, sức khoẻ, tính mạng,… là ngày bị xâm phạm.
e) Trong một quan hệ pháp luật hoặc trong một giao dịch dân sự, nếu hành vi xâm phạm xảy ra ở nhiều thời điểm khác nhau, thì thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện được tính kể từ thời điểm xảy ra hành vi xâm phạm cuối cùng.
g) Trong các trường hợp được hướng dẫn tại các mục a, b, c, d, đ và e mục 5 nếu các bên có thoả thuận khác về thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện, thì thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện được xác định theo thoả thuận của các bên.
6. Việc không áp dụng thời hiệu khởi kiện, thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện, bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện,… được thực hiện theo quy định của BLDS.
Trên đây là nội dung Các trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey.
Xem thêm: Quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật trong lao động
Thủ tục chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ
Điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ được quy định như thế nào? Bài [...]
Dịch vụ xin giấy phép bán lẻ rượu mới nhất hiện nay
Quý khách hàng đang có nhu cầu kinh doanh bán lẻ rượu nhưng chưa biết trình tự, thủ tục xin giấy phép như thế nào? Hãy [...]