Cách nhận biết một cuộc đình công theo quy định của BLLĐ
Cách nhận biết một cuộc đình công theo quy định của BLLĐ
Đình công ở Việt Nam có lẽ không còn xa lạ gì đối với chúng ta, bởi các đơn vị sử dụng lao động cũng như người lao động chiếm số lượng rất lớn, và trong quá trình thực hiện quyền và nghĩa vụ trong quan hệ lao động ắt sẽ xảy đến những mâu thuẫn về lợi ích tập thể nhất định, người lao động phải tìm mọi phương cách để giải quyết tranh chấp, trong đó có giải pháp đình công. Thế nhưng, những hình ảnh đám đông người lao động tụ tập lại hay là đồng loạt ngưng làm việc liệu tất cả có phải đều là đình công? Trong bài viết này Lawkey xin thông tin tới bạn đọc Cách nhận biết một cuộc đình công theo quy định của BLLĐ.
1. Đình công – quyền cơ bản của con người
Theo Điều 209 Bộ luật lao động 2012, đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của tập thể lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động; Việc đình công chỉ được tiến hành đối với các tranh chấp lao động tập thể về lợi ích và tiến hành sau thời gian 5 ngày kể từ ngày Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hòa giải thành mà một trong các bên không thực hiện thỏa thuận đã đạt được.
Đình công là quyền cơ bản của con người, của người lao động và được thừa nhận từ lâu trong các văn bản pháp lý của Liên hợp quốc (UN), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), các nước trên thế giới và Việt Nam. Trong thực tiễn, đình công là vấn đề đã có ở Việt Nam từ lâu, đến giai đoạn nhà nước quy định phát triển nền kinh tế thị trường, cùng với sự hội nhập và hợp tác quốc tế, đình công đã xảy ra nhiều trong các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
2. Các dấu hiệu của một cuộc đình công
Đình công là hiện tượng phức tạp, để hiểu rõ về đình công, ta cần tìm hiểu các dấu hiệu cụ thể của đình công trên thực tế. Dựa trên quy định về đình công ở Điều 209 Bộ luật lao động 2012, có thể đưa ra các dấu hiệu của một cuộc đình công như sau:
2.1. Đình công biểu hiện bằng sự ngừng việc tạm thời:
Đây là dấu hiệu cơ bản nhất, giữ vị trí trung tâm, liên kết các dấu hiệu khác tạo nên hiện tượng đình công. Sự ngừng việc của đình công được hiểu là phản ứng của những người lao động bằng cách không làm việc, không xin phép, trong khi biết trước là người sử dụng lao động không đồng ý.
Thời gian ngừng việc cụ thể của mỗi cuộc đình công sẽ tùy thuộc vào từng hoàn cảnh nhưng họ không dự định ngừng việc lâu dài, không bỏ việc và không đi làm cho người khác. Điều đó có nghĩa là ngừng việc chỉ là cách phản ứng, không phải mục đích mà họ muốn đạt được. Trong thời gian đình công, quan hệ lao động vẫn tồn tại và người lao động sẽ tiếp tục làm việc sau đình công.
2.2. Đình công xuất phát từ sự tự nguyện của người lao động
Đây là dấu hiệu về mặt ý chí của người lao động, kể cả người lãnh đạo và tham gia đình công, thể hiện ở việc họ được quyền quyết định và tự ý quyết định ngừng việc, tham gia đình công trong khi vẫn có những cách giải quyết khác cho vấn đề đang phải đối mặt. Họ hoàn toàn không bị người khác bắt buộc, cưỡng ép ngừng việc. Nếu người lao động nào đó bị những người lao động khác buộc tham gia đình công thì hoàn toàn không phải là người đó đang sử dụng quyền đình công của mình. Nếu tập thể lao động bị những thế lực khác buộc phải ngừng việc, không do họ tự nguyện thì cuộc ngừng việc đó không phải là đình công, hoặc những trường hợp tập thể lao động ngừng việc một cách bị động thì cũng không phải là đình công (ví dụ trường hợp không đủ điều kiện làm việc do dây chuyền sản xuất bị trục trặc, không đủ nguyên vật liệu,…)
2.3. Đình công luôn có tính tập thể
Nếu cá nhân người lao động đơn phương ngừng việc thì thường bị coi là bỏ việc, có thể sẽ bị xử lý kỷ luật tới mức sa thải, bất kể nhận thức và ý chí thực sự của họ là gì. Nếu các cá nhân người lao động kết hợp nhau lại, cùng chung ý chí, mục đích và hành động ngừng việc thì vấn đề đã có sự thay đổi về chất và pháp luật lại coi đó là quyền của họ. Vì vậy tập thể là dấu hiệu không thể thiếu, luôn gắn với hiện tượng đình công.
2.4. Đình công luôn có tính tổ chức
Việc đình công có sự chủ định, có phối hợp, thống nhất về ý chí, mục đích và hành động trong phạm vi những người lao đông ngừng việc. Khi chuẩn bị và tiến hành đình công luôn có sự tổ chức, lãnh đạo, điều hành thống nhất của một hay một số người và có sự chấp hành, phối hợp thực hiện của những người khác trong phạm vi đình công.
Pháp luật Việt Nam luôn thừa nhận quyền tổ chức và lãnh đạo đình công của tổ chức công đoàn. Năm 2006, lần đầu tiên đại diện tạp thể lao động cũng được pháp luật thừa nhận là người tổ chức và lãnh đạo đình công ở nơi chưa có tổ chức công đoàn. Đó là bước tiến đáng kể trong việc đảm bảo quyền đình công cho người lao động, không phân biệt họ là thành viên hay không là thành viên của công đoàn.
2.5. Mục đích của đình công là nhằm đạt được những yêu sách về quyền và lợi ích mànhững người thực hiện quan tâm
Mục đích mà những người đình công hướng tới là những yêu sách về quyền và lợi ích mà họ mong muốn đạt được. Thông thường, đó là các quyền và lợi ích đang tranh chấp của chính những người đình công, trong phạm vi của quan hệ lao động, gắn với lợi ích nghề nghiệp của họ.
Yêu sách ở đây về hình thức là những nội dung ghi trong văn bản hoặc thể hiện bằng lời nói, khẩu hiệu… Cá biệt cũng có thể là những yêu sách ngầm nhưng ai cũng hiểu trong hoàn cảnh nhất định đó, những người ngừng việc phản đối và yêu cầu những gì. Chẳng hạn, trường hợp doanh nghiệp cắt suất ăn trưa, người quản lí thay đổi giờ làm việc không hợp lí… và cả tập thể ngừng việc. Tuy họ không hoặc chưa trực tiếp tuyên bố yêu cầu của mình nhưng người sử dụng lao động, các cơ quan hữu quan, các phương tiện thông tin… đều thừa nhận rằng họ đang phản đối những quyết định đó của bên sử dụng lao động và yêu cầu người sử dụng lao động phải đảm bảo những quyền lợi cũ, có chế độ làm việc phù hợp với người lao động… Đó cũng là yêu sách. Còn nếu ngừng việc mà không nhằm tới bất cứ yêu cầu nào thì chắc chắn đó không phải là đình công mà là hiện tượng khác.
Trên đây là nội dung Cách nhận biết một cuộc đình công theo quy định của BLLĐ LawKey gửi đến bạn đọc.
Xử phạt hành vi không công khai thông tin đóng BHXH của người lao động như thế nào?
Mức phạt đối với hành vi không công khai thông tin đóng BHXH của người lao động là bao nhiêu? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài [...]
Ký nhiều HĐLĐ: Đóng thuế TNCN, BHXH như thế nào?
Trong trường hợp NLĐ ký nhiều HĐLĐ với nhiều doanh nghiệp khác nhau thì theo quy định của pháp luật phải đóng thuế TNCN, [...]