Cách tính thời hạn kháng cáo theo Bộ luật tố tụng hình sự 2015
Thời hạn kháng cáo được pháp luật tố tụng hình sự quy định thế nào? Cách tính thời hạn kháng cáo theo Bộ luật tố tụng hình sự 2015 như thế nào? Cùng Lawkey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Kháng cáo là gì?
Mặc dù pháp luật Việt Nam hiện nay không có định nghĩa rõ ràng về khái niệm “Kháng cáo”, tuy nhiên có thể hiểu, kháng cáo là việc Người kháng cáo biểu thị sự bất đồng đối với cáo buộc của Tòa án mà ở đây là những bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án chưa có hiệu lực pháp luật. Tòa án có thẩm quyền sẽ giải quyết Đơn kháng cáo thông qua việc xét xử phúc thẩm bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực bị kháng cáo.
Tính chất của xét xử phúc thẩm
Điều 330 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về tính chất của xét xử phúc thẩm như sau:
– Xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm mà bản án, quyết định sơ thẩm đối với vụ án đó chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo.
– Quyết định sơ thẩm bị kháng cáo là quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ vụ án, quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can, bị cáo, quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can, bị cáo và quyết định khác của Tòa án cấp sơ thẩm.
Thời hạn kháng cáo
– Thời hạn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đối với bị cáo, đương sự vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc ngày bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật.
– Thời hạn kháng cáo đối với quyết định sơ thẩm là 07 ngày kể từ ngày người có quyền kháng cáo nhận được quyết định.
Ngày kháng cáo
Ngày kháng cáo được xác định như sau:
+ Trường hợp đơn kháng cáo gửi qua dịch vụ bưu chính thì ngày kháng cáo là ngày theo dấu bưu chính nơi gửi đóng dấu ở phong bì; do đó, khi nhận đơn kháng cáo gửi qua bưu điện, Toà án phải kiểm tra ngày đóng dấu trên phong bì và lưu phong bì cùng với đơn kháng cáo để xác định ngày kháng cáo.
+ Trường hợp đơn kháng cáo gửi qua Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ thì ngày kháng cáo là ngày Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ nhận được đơn. Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ phải ghi rõ ngày nhận đơn và ký xác nhận vào đơn. Nếu Ban giám thị trại tạm giam không ghi ngày nhận được đơn kháng cáo, thì Toà án yêu cầu Ban giám thị trại tạm giam xác nhận ngày nhận đơn đó để xác định ngày kháng cáo.
+ Trong trường hợp người kháng cáo đến nộp đơn kháng cáo tại Toà án hoặc trong trường hợp họ đến Toà án cấp sơ thẩm trình bày trực tiếp về việc kháng cáo, thì ngày kháng cáo là ngày Toà án nhận đơn hoặc là ngày Toà án lập biên bản về việc kháng cáo.
Cách tính thời hạn kháng cáo
Điều 4 Nghị quyết 05/2005/NQ-HĐTP quy định về thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng cáo là ngày tiếp theo của ngày được xác định. Ngày được xác định là ngày Toà án tuyên án hoặc ra quyết định trong trường hợp Viện kiểm sát, bị cáo, đương sự có mặt tại phiên toà hoặc là ngày bản án, quyết định được giao hoặc được niêm yết trong trường hợp bị cáo, đương sự vắng mặt tại phiên toà.
Ví dụ 1: Ngày 10-10-2005 Toà án xét xử sơ thẩm vụ án hình sự có mặt bị cáo X và cùng ngày tuyên án đối với bị cáo B. Trong trường hợp này ngày được xác định là ngày 10-10-2005 và thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng cáo 15 ngày (đối với bị cáo X) là ngày 11-10-2005.
Ví dụ 2: Ngày 12-10-2005 Toà án xét xử sơ thẩm vụ án hình sự vắng mặt bị hại là A và đã tuyên án cùng ngày 12/10/2005. Ngày 20-10-2005 Toà án mới giao bản án cho A hoặc niêm yết tại trụ sở Uỷ ban nhân dân xã nơi A cư trú. Trong trường hợp này ngày được xác định là ngày 20-10-2005 và thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng cáo 15 ngày (đối với A) là ngày 21-10-2005.
Lưu ý, trong trường hợp ngay trong ngày Toà án tuyên án hoặc ra quyết định mà bị cáo, đương sự có mặt tại phiên toà có đơn kháng cáo ngay, thì Toà án cấp sơ thẩm nhận đơn kháng cáo theo thủ tục chung.
Thời điểm kết thúc thời hạn kháng cáo
Thời điểm kết thúc thời hạn kháng cáo là thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn. Nếu ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ cuối tuần (thứ bảy, chủ nhật) hoặc ngày nghỉ lễ, thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày làm việc đầu tiên tiếp theo ngày nghỉ đó. Thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn vào lúc 24h của ngày đó.
Ví dụ 1: Thời hạn kháng cáo 15 ngày được tính bắt đầu từ ngày 11-10-2005 thì kết thúc vào lúc 24h ngày 25-10-2005 (nếu không đúng vào ngày nghỉ cuối tuần, ngày nghỉ lễ).
Ví dụ 2: Thời hạn kháng cáo 15 ngày được tính bắt đầu từ ngày 21-10-2005 thì kết thúc vào lúc 24h ngày 04-11-2005. Trường hợp ngày 04-11-2005 đúng vào ngày nghỉ lễ thì thời hạn kháng cáo 15 ngày kết thúc vào lúc 24 giờ ngày 05-11-2005 (nếu không đúng vào ngày nghỉ cuối tuần). Trường hợp ngày 05-11-2005 là thứ bảy, thì thời hạn kháng cáo 15 ngày kết thúc vào lúc 24 giờ ngày 07-11-2005.
Kháng cáo quá hạn
– Việc kháng cáo quá hạn được chấp nhận nếu có lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan mà người kháng cáo không thể thực hiện được việc kháng cáo trong thời hạn kháng cáo nêu trên. Ví dụ: do thiên tai, lũ lụt; do ốm đau, tai nạn phải nằm viện điều trị…
– Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được đơn kháng cáo quá hạn, Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi đơn kháng cáo, bản tường trình của người kháng cáo về lý do kháng cáo quá hạn và chứng cứ, tài liệu, đồ vật kèm theo (nếu có) cho Tòa án cấp phúc thẩm.
– Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn kháng cáo quá hạn và chứng cứ, tài liệu, đồ vật kèm theo (nếu có), Tòa án cấp phúc thẩm thành lập Hội đồng gồm ba Thẩm phán để xem xét kháng cáo quá hạn. Hội đồng xét kháng cáo quá hạn có quyền ra quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận kháng cáo quá hạn và phải ghi rõ lý do của việc chấp nhận hoặc không chấp nhận trong quyết định.
– Quyết định của Hội đồng xét kháng cáo quá hạn được gửi cho người kháng cáo quá hạn, Tòa án cấp sơ thẩm và Viện kiểm sát cùng cấp với Tòa án cấp phúc thẩm.
Trên đây là nội dung Cách tính thời hạn kháng cáo theo Bộ luật tố tụng hình sự 2015 Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey.
Xem thêm: Cách tính thời hạn kháng cáo theo Bộ luật tố tụng dân sự 2015
Thời gian được nghỉ thai sản của giáo viên trùng với thời gian nghỉ hè
Thời gian được nghỉ thai sản của giáo viên trùng với thời gian nghỉ hè Tóm tắt câu hỏi: Chào Luật sư! Xin hỏi: Tôi là giáo [...]
Quy định về chi phí quản lý dự án đầu tư xây dựng
Chi phí quản lý dự án đầu tư xây dựng được quy định như thế nào? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây. [...]