Cách tính thuế bảo vệ môi trường theo pháp luật hiện hành
Theo Luật thuế bảo vệ môi trường 2010, thuế bảo vệ môi trường là loại thuế gián thu với hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế có trách nhiệm nộp thuế bảo vệ môi trường. Sau đây, LawKey gửi đến bạn đọc cách tính thuế bảo vệ môi trường.
* Cơ sở pháp lý:
- Luật thuế bảo vệ môi trường 2010.
- Thông tư 152/2011/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 67/2011/NĐ-CP hướng dẫn Luật thuế Bảo vệ môi trường do Bộ Tài chính ban hành.
- Nghị quyết 579/2018/UBTVQH14 về Biểu thuế bảo vệ môi trường do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành.
- Nghị định 164/2016/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản ờng vụ Quốc hội ban hành.
1. Cách tính thuế bảo vệ môi trường
Công thức tính thuế bảo vệ môi trường
Theo Điều 4 Thông tư 152/2011/TT-BTC, thuế bảo vệ môi trường được tính theo công thức sau:
Thuế bảo vệ môi trường phải nộp | = | Số lượng đơn vị hàng hóa tính thuế | X | Mức thuế tuyệt đối trên một đơn vị hàng hóa |
Để tính được số tiền thuế phải nộp cần tính được số lương đơn vị hàng hóa chịu thuế và mức thuế tuyệt đối mà Nhà nước quy định. Cụ thể:
– Số lượng đơn vị hàng hóa tính thuế được xác định như sau:
+ Hàng hóa sản xuất trong nước: Số lượng hàng hóa tính thuế là số lượng hàng hóa sản xuất bán ra, trao đổi, tiêu dùng nội bộ, tặng cho, khuyến mại, quảng cáo.
+ Hàng hóa nhập khẩu: Số lượng hàng hóa tính thuế là số lượng hàng hóa nhập khẩu.
+ Hàng hoá là nhiên liệu hỗn hợp chứa xăng, dầu…Số lượng hàng hoá tính thuế trong kỳ là số lượng xăng, dầu, mỡ nhờn gốc hoá thạch có trong số lượng nhiên liệu hỗn hợp nhập khẩu hoặc sản xuất bán ra, trao đổi, tặng cho, đưa vào tiêu dùng nội bộ được quy đổi ra đơn vị đo lường quy định tính thuế của hàng hoá tương ứng. Cách xác định như sau:
Số lượng xăng, dầu, mỡ nhờn gốc hoá thạch tính thuế | = | Số lượng nhiên liệu hỗn hợp nhập khẩu, sản xuất bán ra, tiêu dùng, trao đổi, tặng cho | x | Tỷ lệ % xăng, dầu, mỡ nhờn gốc hoá thạch có trong nhiên liệu hỗn hợp |
+ Đối với túi ni lông đa lớp được sản xuất hoặc gia công từ màng nhựa đơn HDPE, LDPE, LLDPE và các loại màng nhựa khác (PP, PA,…) hoặc các chất khác như nhôm, giấy… thì thuế bảo vệ môi trường được xác định theo tỷ lệ % trọng lượng màng nhựa đơn HDPE, LDPE, LLDPE có trong túi ni lông đa lớp.
– Mức thuế tuyệt đối trên một đơn vị hàng hóa
Theo Khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 579/2018/UBTVQH14 mức thuế tuyệt đối trên 1 đơn vị hàng hóa được Nhà nước ấn định với từng loại hàng hóa như sau:
TT | Hàng hóa | Đơn vị tính | Mức thuế (đồng/đơn vị hàng hóa) |
I | Xăng, dầu, mỡ nhờn | ||
1 | Xăng, trừ etanol | lít | 4.000 |
2 | Nhiên liệu bay | lít | 3.000 |
3 | Dầu diesel | lít | 2.000 |
4 | Dầu hỏa | lít | 1.000 |
5 | Dầu mazut | lít | 2.000 |
6 | Dầu nhờn | lít | 2.000 |
7 | Mỡ nhờn | kg | 2.000 |
II | Than đá | ||
1 | Than nâu | tấn | 15.000 |
2 | Than an – tra – xít (antraxit) | tấn | 30.000 |
3 | Than mỡ | tấn | 15.000 |
4 | Than đá khác | tấn | 15.000 |
III | Dung dịch Hydro-chloro-fluoro-carbon (HCFC), bao gồm cả dung dịch HCFC có trong hỗn hợp chứa dung dịch HCFC | kg | 5.000 |
IV | Túi ni lông thuộc diện chịu thuế | kg | 50.000 |
V | Thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng | kg | 500 |
VI | Thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dụng | kg | 1.000 |
VII | Thuốc bảo quản lâm sản thuộc loại hạn chế sử dụng | kg | 1.000 |
VIII | Thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng | kg | 1.000 |
2. Cách tính phí bảo vệ môi trường với hoạt động khai thác khoáng sản
Riêng với hoạt động khai thác khoáng sản ngoài việc chịu thuế bảo vệ môi trường còn bị tính phí bảo vệ môi trường và được hướng dẫn tại NĐ 164/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/1/2017 như sau:
- Mức phí
- Mức phí bảo vệ môi trường đối với dầu thô: 100.000 đồng/tấn; đối với khí thiên nhiên, khí than: 50 đồng/m3. Riêng khí thiên nhiên thu được trong quá trình khai thác dầu thô (khí đồng hành): 35 đồng/m3.
- Khung mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản khác theo Biểu khung mức phí ban hành kèm theo Nghị định này.
- Mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản tận thu bằng 60% mức phí của loại khoáng sản tương ứng quy định tại Biểu mức thu ban hành kèm theo Nghị định này.
- Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản phải nộp trong kỳ nộp phí được tính theo công thức sau:
F = [(Q1 x f1) + (Q2 x f2)] x K
Trong đó:
– F là số phí bảo vệ môi trường phải nộp trong kỳ;
– Q1 là số lượng đất đá bốc xúc thải ra trong kỳ nộp phí (m3);
– Q2 là số lượng quặng khoáng sản nguyên khai khai thác trong kỳ (tấn hoặc m3);
– f1 là mức phí đối với số lượng đất đá bốc xúc thải ra: 200 đồng/m3;
– f2 là mức phí tương ứng của từng loại khoáng sản khai thác (đồng/tấn hoặc đồng/m3);
– K là hệ số tính phí theo phương pháp khai thác, trong đó:
+ Khai thác lộ thiên (bao gồm cả khai thác bằng sức nước như khai thác titan, cát, sỏi lòng sông): K = 1,1;
+ Khai thác hầm lò và các hình thức khai thác khác (khai thác dầu thô, khí thiên nhiên, nước khoáng thiên nhiên và các trường hợp còn lại): K = 1.
Xem thêm: Đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường theo pháp luật hiện hành
Trên đây là nội dung Cách tính thuế bảo vệ môi trường theo pháp luật hiện hành LawKey gửi đến bạn đọc. Hãy liên hệ với chúng tôi để được giải đáp những vấn đề bạn còn băn khoăn.
Các nguyên tắc kế toán cơ bản là gì?
Các nguyên tắc kế toán cơ bản nằm trong chuẩn mực kế toán chung mà nhân viên kế toán cần tuân thủ khi lập báo cáo tài [...]
Mức phạt khi lập hóa đơn các liên khác nhau, không thống nhất
Một trong những nguyên tắc trong lập hóa đơn đó là tính thống nhất giữa các liên của một loại hóa đơn. Vậy khi có sự [...]