Căn cứ xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật dân sự 2015
Căn cứ xác lập quyền sở hữu được pháp luật dân sự quy định tại Điều 221 Bộ luật dân sự 2015. Vậy các căn cứ nào là căn cứ xác lập quyền sở hữu?
1. Khái niệm căn cứ xác lập quyền sở hữu
Quyền sở hữu là một quan hệ pháp luật dân sự về sở hữu. Do đó, cũng giống như bất cứ quan hệ pháp luật dân sự nào, quyền sở hữu phát sinh phải dựa trên những căn cứ pháp lý nhất định. Nó chỉ xuất hiện khi có những sự kiện thực tế mà Bộ luật dân sự 2015 (BLDS) có quy định ý nghĩa pháp lí đối với sự kiện đó.
Việc xác lập quyền sở hữu dựa trên những căn cứ được quy định tại Điều 221 BLDS được coi là quyền sở hữu hợp pháp.
Tùy thuộc vào pháp luật của mỗi chế độ sở hữu, thể chế nhà nước khác nhau mà việc ghi nhận các căn cứ làm phát sinh quyền sở hữu cũng khác nhau. Trên cơ sở tính chất, nội dung của các sự kiện pháp lí mà quyền sở hữu phát sinh có thể thuộc hình thức sở hữu này hay hình thức sở hữu khác.
Xem thêm: Căn cứ làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quan hệ pháp luật dân sự
2. Các căn cứ xác lập quyền sở hữu
Các căn cứ xác lập quyền sở hữu là những sự kiện pháp lí do BLDS quy định. Dựa vào nguồn gốc của những sự kiện pháp lí, người ta có thể phân chia làm ba nhóm sau:
2.1. Xác lập theo hợp đồng hoặc từ hành vi pháp lí đơn phương
Hợp đồng là một sự kiện pháp lí trên cơ sở thỏa thuận, thống nhất ý chí của các chủ thể làm phát sinh sự chuyển dịch quyền sở hữu đối với tài sản từ chủ thể này sang chủ thể khác.
Các hợp đồng mua bán, tặng cho, cho vay,.. nếu được xác lập phù hợp với quy định của BLDS thì những người được chuyển giao tài sản thông qua các giao dịch hợp pháp có quyền sở hữu đối với tài sản đó.
Những tài sản theo quy định của pháp luật phải đăng kí, sang tên, xin phép thì quyền sở hữu được xác lập từ thời điểm hoàn tất các thủ tục đó. Tương tự, việc nhận tài sản từ di sản thừa kế của người chết theo di chúc hoặc những người được hưởng trong hứa thưởng và thi có giải có quyền sở hữu đối với tài sản đã nhận theo di chúc hoặc tài sản đã nhận thưởng.
2.2. Xác lập theo quy định của pháp luật
Đây là những sự kiện pháp lí mà theo quy định của BLDS, quyền sở hữu được xác lập bao gồm:
Xác lập quyền sở hữu đối với tài sản có được từ lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp, hoạt động sáng tạo ra đối tượng quyền sở hữu trí tuệ
Nguồn gốc ban đầu của tài sản là lao động, vì vậy ai đã bỏ sức lao động ra thì có quyền sở hữu đối với những thu nhập có được do lao động hoặc do sản xuất kinh doanh hợp pháp (Điều 222 BLDS). Đối với hoa lợi, lợi tức, quyền sở hữu được xác lập theo quy định của pháp luật. Cụ thể:
– Người lao động, người tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp có quyền sở hữu đối với tài sản có được từ lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp, kể từ thời điểm có được tài sản đó.
– Người tiến hành hoạt động sáng tạo có quyền sở hữu đối với tài sản có được từ hoạt động sáng tạo theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ.
Xác lập quyền sở hữu đối với tài sản trong trường hợp sáp nhập, trộn lẫn và chế biến
Do các sự kiện sáp nhập, trộn lẫn, chế biến là sự hợp nhất tài sản của nhiều chủ sở hữu khác nhau. Kể từ thời điểm sáp nhập, trộn lẫn, vật mới là tài sản thuộc sở hữu chung hoặc riêng của các chủ sở hữu đó. Những chủ sở hữu tài sản mới phải thanh toán phần giá trị tài sản. Cụ thể:
– Trường hợp sáp nhập:
Tài sản của nhiều chủ sở hữu khác nhau được sáp nhập với nhau tạo thành vật không chia được và không thể xác định tài sản đem sáp nhập là vật chính hoặc vật phụ thì vật mới được tạo thành là tài sản thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu đó;
Nếu tài sản đem sáp nhập là vật chính và vật phụ thì vật mới được tạo thành thuộc chủ sở hữu vật chính, kể từ thời điểm vật mới được tạo thành, chủ sở hữu tài sản mới phải thanh toán cho chủ sở hữu vật phụ phần giá trị của vật phụ đó, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
– Trường hợp trộng lẫn:
Tài sản của nhiều chủ sở hữu khác nhau được trộn lẫn với nhau tạo thành vật mới không chia được thì vật mới là tài sản thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu đó, kể từ thời điểm trộn lẫn.
– Trường hợp chế biến:
Chủ sở hữu của nguyên vật liệu được đem chế biến tạo thành vật mới là chủ sở hữu của vật mới được tạo thành.
+ Người dùng nguyên vật liệu thuộc sở hữu của người khác để chế biến mà ngay tình thì trở thành chủ sở hữu của tài sản mới nhưng phải thanh toán giá trị nguyên vật liệu, bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu nguyên vật liệu đó.
+ Trường hợp người chế biến không ngay tình thì chủ sở hữu nguyên vật liệu có quyền yêu cầu giao lại vật mới; nếu có nhiều chủ sở hữu nguyên vật liệu thì những người này là đồng chủ sở hữu theo phần đối với vật mới được tạo thành, tương ứng với giá trị nguyên vật liệu của mỗi người. Chủ sở hữu nguyên vật liệu bị chế biến không ngay tình có quyền yêu cầu người chế biến bồi thường thiệt hại.
Xác lập quyền sở hữu đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu
– Tài sản vô chủ là tài sản mà chủ sở hữu đã từ bỏ quyền sở hữu đối với tài sản đó. Người đã phát hiện, người đang quản lý tài sản vô chủ là động sản thì có quyền sở hữu tài sản đó, trừ trường hợp luật có quy định khác; nếu tài sản là bất động sản thì thuộc về Nhà nước.
– Người phát hiện tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.
Việc giao nộp phải được lập biên bản, trong đó ghi rõ họ, tên, địa chỉ của người giao nộp, người nhận, tình trạng, số lượng, khối lượng tài sản giao nộp. Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã đã nhận tài sản phải thông báo cho người phát hiện về kết quả xác định chủ sở hữu.
Sau 01 năm, kể từ ngày thông báo công khai mà không xác định được ai là chủ sở hữu tài sản là động sản thì quyền sở hữu đối với động sản đó thuộc về người phát hiện tài sản. Sau 05 năm, kể từ ngày thông báo công khai mà không xác định được ai là chủ sở hữu tài sản là bất động sản thì bất động sản đó thuộc về Nhà nước; người phát hiện được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật.
Xác lập quyền sở hữu đối với tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy
– Người phát hiện tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm phải thông báo hoặc trả lại ngay cho chủ sở hữu; nếu không biết ai là chủ sở hữu thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp tìm thấy tài sản bị chôn giấu hoặc bị vùi lấp, bị chìm đắm thì quyền sở hữu được xác lập có thể thuộc các hình thức sở hữu khác nhau. ĐIểm a và b Khoản 2 Điều 229 BLDS quy định như sau:
– Tài sản được tìm thấy là tài sản thuộc di tích lịch sử – văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa thì thuộc về Nhà nước; người tìm thấy tài sản đó được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật;
– Tài sản được tìm thấy không phải là tài sản thuộc di tích lịch sử – văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa mà có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì thuộc sở hữu của người tìm thấy; nếu tài sản tìm thấy có giá trị lớn hơn mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì người tìm thấy được hưởng giá trị bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước.
Xác lập quyền sở hữu đối với tài sản do các sự kiện gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước di chuyển tự nhiên
Đối với những sự kiện này, người bắt được ngoài việc thông báo công khai, phải sau một thời hạn tùy thuộc vào đối tượng thất lạc thì quyền sở hữu mới được xác lập. Cụ thể:
Đối với gia súc:
Người bắt được gia súc bị thất lạc phải nuôi giữ và báo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. Sau 06 tháng, kể từ ngày thông báo công khai hoặc sau 01 năm đối với gia súc thả rông theo tập quán thì quyền sở hữu đối với gia súc và số gia súc được sinh ra trong thời gian nuôi giữ thuộc về người bắt được gia súc.
Đối với gia cầm:
Trường hợp gia cầm của một người bị thất lạc mà người khác bắt được thì người bắt được phải thông báo công khai để chủ sở hữu gia cầm biết mà nhận lại. Sau 01 tháng, kể từ ngày thông báo công khai mà không có người đến nhận thì quyền sở hữu đối với gia cầm và hoa lợi do gia cầm sinh ra trong thời gian nuôi giữ thuộc về người bắt được gia cầm.
Đối với vật nuôi dưới nước:
Khi vật nuôi dưới nước của một người di chuyển tự nhiên vào ruộng, ao, hồ của người khác thì thuộc sở hữu của người có ruộng, ao, hồ đó. Trường hợp vật nuôi dưới nước có dấu hiệu riêng biệt để có thể xác định vật nuôi không thuộc sở hữu của mình thì người có ruộng, ao, hồ đó phải thông báo công khai để chủ sở hữu biết mà nhận lại. Sau 01 tháng, kể từ ngày thông báo công khai mà không có người đến nhận thì quyền sở hữu vật nuôi dưới nước đó thuộc về người có ruộng, ao, hồ.
Xác lập quyền sở hữu đối với tài sản do được thừa kế tài sản theo pháp luật
Thông qua việc nhận di sản thừa kế theo pháp luật, quyền sở hữu của một người nào đó được xác lập đối với các tài sản mà họ đã nhận từ di sản của người chết.
2.4. Xác lập theo những căn cứ riêng biệt
Ngoài những căn cứ có tính phổ biến nêu trên, quyền sở hữu còn có thể được xác lập theo những căn cứ riêng khác. Đó chính là các bản án, quyết định của tòa án (quyết định hòa giải thành) hoặc các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
VÍ dụ: Công nhận quyền sở hữu cá nhân của mỗi người sau khi chia tài sản chung hợp nhất của vợ chồng trong các bản án, quyết định li hôn; các quyết định hòa giải nhà ở của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Quyền sở hữu của một chủ thể có thể được xác lập theo thời hiệu khi có các điều kiện do pháp luật quy định như: Một người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì người ấy trở thành chủ sở hữu tài sản đó. Khi đó, quyền sở hữu sẽ được xác lập và được công nhận kể từ thời điểm người đó bắt đầu chiếm hữu. Tuy nhiên, quy định về thời hiệu này không áp dụng nếu BLDS hoặc luật khác có liên quan quy định khác.
Đối với các tài sản bị tịch thu (Điều 244 BLDS), bị trưng mua (Điều 243 BLDS) về nguyên tắc đây là căn cứ làm chấm dứt quyền sở hữu đối với một chủ thể nhất định nhưng đó lại là căn cứ làm phát sinh quyền sở hữu toàn dân.
Nếu dựa vào quy trình hình thành và thay đổi quyền sở hữu thì các căn cứ xác lập quyền sở hữu có thể chia thành:
– Căn cứ đầu tiên:
Là những sự kiện pháp lí do đó mà quyền sở hữu được xác lập đầu tiên đối với vật. Theo căn cứ này quyền sở hữu mới phát sinh không phụ thuộc vào ý chí của chủ sở hữu trước đó. Ví dụ: sản phẩm mới được tạo ra trong quá trình sản xuất hoặc việc nhận những kết quả các các tài sản mang lại.
– Căn cứ kế tục:
Là những sự kiện pháp lí xác lập quyền sở hữu mới trên cơ sở chuyển dịch quyền theo ý chí của chủ sở hữu cũ thông qua các hợp đồng dân sự hợp pháp hoặc do thừa kế. Đối với các căn cứ kế tục, chủ sở hữu mới phải chịu sự ràng buộc về nghĩa vụ liên quan đến tài sản đã chuyển giao của chủ sở hữu cũ với người thứ ba.
Ví dụ: người đã mua nhà của chủ sở hữu nhưng nhà đó chủ sở hữu đang cho người khác thuê mà hợp đồng thuê chưa hết kì hạn thì chủ sở hữu mới không có quyền hủy bỏ hợp đồng thuê của chủ sở hữu cũ với người thuê khi chưa kết kì hạn thuê.
Trên đây là nội dung Căn cứ xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey.
Xem thêm: Khái niệm và ý nghĩa của thời hiệu theo quy định của pháp luật
Thu hồi thẻ bảo hiểm y tế khi người lao động nghỉ việc
Người sử dụng lao động sẽ thu hồi thẻ bảo hiểm y tế của người lao động khi họ thôi việc. Người lao động sẽ được [...]
Giấy phép hoạt động in là gì?
Giấy phép hoạt động in là một loại giấy tờ pháp lý chứng minh một cơ sở có đủ điều kiện đáp ứng hoạt động in. Đây [...]