Quy trình khai báo và cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa
QUY TRÌNH KHAI BÁO VÀ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN XUẤT XỨ HÀNG HÓA
Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa – C/O (Certificate of Origin) là văn bản do tổ chức có thẩm quyền thuộc quốc gia hoặc vùng lãnh thổ xuất khẩu hàng hóa cấp, dựa trên những quy định và yêu cầu liên quan về xuất xứ, chỉ rõ nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ hướng dẫn quy trình khai báo và cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành.
(Đọc bài viết để hiểu Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa là gì?)
1.Quy định của pháp luật về việc khai báo cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định số 31/2018/NĐ-CPQuy định chi tiết Luật quản lý ngoại thươngvề xuất xứ hàng hóa ngày 08/03/2018, thương nhân tiến hành khái báo cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo trình tự sau: Thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa khai báo hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo biểu mẫu điện tử sẵn có trên Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử của Bộ Công Thương tại địa chỉ www.ecosys.gov.vn hoặc trang điện tử khác của các cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được Bộ Công Thương ủy quyền. Mã HS của hàng hóa khai báo trên Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa là mã HS của nước xuất khẩu. Trường hợp mã HS của nước xuất khẩu khác với mã HS của nước nhập khẩu đối với cùng một mặt hàng, thương nhân được phép sử dụng mã HS của nước nhập khẩu và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của mã HS nước nhập khẩu do thương nhân khai báo.
2.Quy trình cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo các trường hợp cụ thể.
Trên thực tế, thương nhân thực hiện xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa bằng nhiều hình thức khác nhau, do đó, với mỗi trường hợp cụ thể, sẽ có một quy trình cấp giấy chứng nhận khác nhau. Cụ thể như sau:
a.Trường hợp thương nhân đính kèm hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa tại Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử của Bộ Công Thương tại địa chỉ www.ecosys.gov.vn hoặc trang điện tử khác của các cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được Bộ Công Thương ủy quyền.
Đối với trường hợp này, quy trình cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được thực hiện như sau: thương nhân đính kèm các chứng từ của hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa dưới dạng điện tử. Các chứng từ này phải được thương nhân xác thực bằng chữ ký số do cơ quan có thẩm quyền cấp. Sau khi nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ dưới dạng điện tử, trong thời hạn 6 ngày làm việc cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa thông báo trên hệ thống kết quả xét duyệt hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho thương nhân. Khi đã nhận được thông báo hợp lệ của cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng xuất xứ hàng hóa, thương nhân tiến hành nộp đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được kê khai hoàn chỉnh và hợp lệ theo Mẫu số 04 (Nghị định 31/2018/NĐ-CP) và mẫu Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa tương ứng đã được khai hoàn chỉnh dưới dạng bản giấy đến cơ quan cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày những được bản giấy hợp lệ đối với hai loại giấy tờ nói trên thì cơ quan ccos thẩm quyền trả kết quả giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa bằng bản giấy cho thương nhân.
Đối với trường hợp này, hiện nay đã được hướng dẫn cụ thể tại khoản 2, Điều 16 Nghị đính số 31/2018/NĐ-CP như sau:
“a) Thương nhân đính kèm các chứng từ của hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa dưới dạng điện tử. Các chứng từ này phải được thương nhân xác thực bằng chữ ký số do cơ quan có thẩm quyền cấp. Bản giấy của các chứng từ này không cần phải nộp lại cho cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa;
b) Trong thời hạn 6 giờ làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ dưới dạng điện tử, cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa thông báo trên hệ thống kết quả xét duyệt hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho thương nhân;
c) Trong thời hạn 2 giờ làm việc kể từ khi nhận được đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa và Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đã được khai hoàn chỉnh và hợp lệ dưới dạng bản giấy nêu tại điểm a và điểm b Khoản 1 Điều 15 Nghị định này, cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa trả kết quả cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa dưới dạng bản giấy”.
b.Trường hợp thương nhân nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa trực tiếp tại trụ sở của cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Quy trình cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong trường hợp này được thực hiện theo các bước sau đây:
– Thương nhân nộp các chứng từ của hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa dưới dạng bản giấy. Do nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Vì vậy bắt buộc thương nhân phải nộp bằng bản giấy.
– Cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa trả kết quả cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong thời hạn 8 giờ làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đầy đủ và hợp lệ. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra và xác nhận hồ sơ đã đúng và đầy đủ theo quy định của pháp luật, cơ quan có thẩm quyền phải tiến hành cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
c.Trường hợp thương nhân nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa qua bưu điện.
Đây là hình thức trên thực tế hiện nay rất ít người sử dụng. Chủ yếu các thương nhân sẽ lựa chọn hình thức đăng kí qua trực tuyến. Theo quy định của pháp luật, trong trường hợp thương nhân gửi hồ sơ qua đường bưu điện, sau khi được bộ hồ sơ hợp lệ của thương nhân, sau 24 giờ làm việc, cơ quan có thẩm quyền phải tiến hành cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho thương nhân.
Lưu ý rằng, việc xác định ngày gửi, ngày cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo con dấu ngày gửi có trên bưu phẩm.
d.Trong trường hợp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa không rõ ràng, không chứng minh được hàng hóa đáp ứng tiêu chí xuất xứ, có dấu hiệu gian lận về chuyển tải, hoặc phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật đối với Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đã cấp trước đó.
Trong quá trình xem xét hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa rõ ràng, không chứng minh được hành hóa đáp ứng tiêu chí xuất xứ, có dấu hiệu gian lận… Lúc này, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa tiến hành việc kiểm tra hồ tại cơ sở sản xuất. Theo quy định của pháp luật, việc kiểm tra, xác minh xuất xứ của hàng hóa hiện được quy định tại Điều 28 nghị định số 31/2018/NĐ-CP như sau:
“1. Bộ Công Thương hướng dẫn việc kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu trước và sau khi cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa và việc tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu của thương nhân trong các trường hợp sau:
a) Kiểm tra hồ sơ, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa do Bộ Công Thương cấp hoặc do cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền cấp hoặc do thương nhân tự chứng nhận xuất xứ theo yêu cầu của cơ quan hải quan nước nhập khẩu;
b) Phối hợp kiểm tra thực tế cơ sở sản xuất của thương nhân để kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa theo yêu cầu của cơ quan hải quan nước nhập khẩu trong trường hợp kết quả kiểm tra hồ sơ, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều này không được chấp nhận;
c) Thành lập đoàn kiểm tra thực tế tại cơ sở sản xuất đối với thương nhân trước khi được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc đối với thương nhân đề nghị tham gia tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trước khi xem xét việc cấp Văn bản chấp thuận tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định của Bộ Công Thương;
d) Thành lập đoàn kiểm tra thực tế tại cơ sở sản xuất đối với thương nhân sau khi được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc đối với thương nhân sau khi phát hành chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định của Bộ Công Thương;
đ) Chủ trì cùng các cơ quan hữu quan trong nước, phối hợp với các cơ quan chức năng Điều tra của nước nhập khẩu để kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa.
2.Bộ Tài chính hướng dẫn việc kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu khi thực hiện thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan trong các trường hợp sau:
a) Đối với hàng hóa xuất khẩu, tiến hành kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa của thương nhân xuất khẩu trong quá trình làm thủ tục xuất khẩu, đảm bảo hàng hóa khai báo đúng xuất xứ. Trong trường hợp có nghi ngờ hoặc phát hiện dấu hiệu gian lận xuất xứ của hàng hóa xuất khẩu, Bộ Tài chính thông báo với Bộ Công Thương để phối hợp trong việc chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp;
b) Đối với hàng hóa nhập khẩu:
– Tiến hành kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa của thương nhân nhập khẩu trong quá trình làm thủ tục nhập khẩu;
– Gửi yêu cầu kiểm tra hồ sơ, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho cơ quan hải quan hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu một cách ngẫu nhiên hoặc khi có lý do nghi ngờ tính chính xác của chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, tính xác thực của các thông tin liên quan đến xuất xứ của hàng hóa thuộc diện nghi ngờ;
– Thành lập đoàn kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa tại cơ sở sản xuất của thương nhân nước xuất khẩu theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập trong trường hợp không chấp nhận kết quả kiểm tra hồ sơ, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa của cơ quan hải quan hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu, đồng thời thông báo bằng văn bản cho Bộ Công Thương để phối hợp.”
Sau khi kiểm tra xác minh xong, nếu hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa hợp lệ, đúng theo quy định của pháp luật, thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho thương nhân đã đề nghị.
Trên đây là những quy định của pháp luật về quy trình khai báo và cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có vấn đề gì mà Bạn đọc chưa hiểu rõ hãy lên hệ với Lawkey gặp luật sư để được giải đáp cụ thể hơn.
Quy định về chi phí quản lý dự án đầu tư xây dựng
Chi phí quản lý dự án đầu tư xây dựng được quy định như thế nào? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây. [...]
Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển
Doanh nghiệp khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển thì nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận. [...]