Chấm dứt hiệu lực mã số thuế khi giải thể doanh nghiệp
Chấm dứt hiệu lực mã số thuế là thủ tục cơ quan thuế xác định mã số thuế không còn giá trị sử dụng trong Hệ thống ứng dụng đăng ký thuế. Cơ quan thuế thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc Thông báo mã số thuế và thông báo công khai việc chấm dứt hiệu lực mã số thuế. Tuy nhiên, trình tự thủ tục, hồ sơ chấm dứt mã số thuế như thế nào không phải đơn vị nào cũng nắm được.
Sau đây, LawKey xin gửi đến bạn đọc quy định của pháp luật về trình tự thủ tục, hồ sơ chấm dứt mã số thuế.
1. Các trường hợp chấm dứt hiệu lực mã số thuế và thời điểm chấm dứt hiệu lực mã số thuế của doanh nghiệp
Các trường hợp chấm dứt hiệu lực mã số thuế được quy định tại Điều 29 Luật quản lý thuế và Điều 16 Thông tư 95/2016/TT-BTC gồm các trường hợp dưới đây:
- Doanh nghiệp chấm dứt hoạt động hoặc giải thể, phá sản;
- Doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
- Tổ chức lại doanh nghiệp (chia, tách, sáp nhập, hợp nhất);
Doanh nghiệp trước khi nộp hồ sơ giải thể tại cơ quan đăng ký kinh doanh theo hướng dẫn tại Luật doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật doanh nghiệp thì phải gửi hồ sơ cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp để làm thủ tục hoàn thành nghĩa vụ thuế với cơ quan thuế.
Việc chấm dứt hiệu lực mã số thuế của doanh nghiệp được cơ quan thuế thực hiện cùng với thời hạn cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp (giải thể) trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Như vậy, cơ quan thuế không ra thông báo người nộp thuế chấm dứt hiệu lực mã số thuế đối với doanh nghiệp mà thay vào đó là thông báo doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ thuế với cơ quan thuế.
Lưu ý khi đã chấm dứt hiệu mã số thuế của doanh nghiệp
- Mã số thuế không được sử dụng trong các giao dịch kinh tế, kể từ ngày cơ quan thuế chấm dứt hiệu lực mã số thuế theo quy định tại Điều 29 Luật quản lý thuế.
- Khi doanh nghiệp chấm dứt hiệu lực mã số thuế thì đồng thời phải thực hiện thủ tục chấm dứt hiệu lực đối với mã số thuế nộp thay.
2. Các nghĩa vụ doanh nghiệp phải hoàn thành trước khi chấm dứt hiệu lực mã số thuế
Căn cứ theo Điều 16 Thông tư 95/2016/TT-BTC, Doanh nghiệp phải hoàn thành các nghĩa vụ sau trước khi chấm dứt hiệu lực mã số thuế:
- Người nộp thuế nộp Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo quy định của pháp luật về hoá đơn;
- Người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo quy định tại Điều 41, Điều 42 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính;
- Trường hợp đơn vị chủ quản có các đơn vị trực thuộc thì toàn bộ các đơn vị trực thuộc phải hoàn thành thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế trước khi chấm dứt hiệu lực mã số thuế của đơn vị chủ quản.
3. Hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế
Hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế trong trường hợp giải thể theo Điều 17 Thông tư 95/2016/TT-BTC gồm các thành phần sau đây:
Hồ sơ của doanh nghiệp để làm thủ tục hoàn thành nghĩa vụ thuế với cơ quan thuế trước khi doanh nghiệp làm thủ tục giải thể tại cơ quan đăng ký kinh doanh như sau:
a) Trường hợp doanh nghiệp tự giải thể, hồ sơ gồm:
– Quyết định giải thể;
– Biên bản họp;
– Văn bản xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan nếu doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu.
b) Trường hợp giải thể trong trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc theo quyết định của toà án, hồ sơ gồm:
- Quyết định giải thể;
- Bản sao Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Quyết định của Toà án có hiệu lực;
- Văn bản xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan nếu doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu.
Lưu ý: Theo hướng dẫn mới nhất tại Công văn số 1763/TCT-KK của Tổng cục Thuế ngày 04/05/2019 v/v xử lý và trả lời kiến nghị của người nộp thuế:
- Trường hợp doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh có phát sinh hoạt động xuất nhập khẩu, thì hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế để giải thể để giải thể doanh nghiệp phải có Văn bản xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan
- Trường hợp doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh không phát sinh hoạt động xuất nhập khẩu, thì hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế để giải thể để giải thể doanh nghiệp không phải có Văn bản xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan
4. Trình tự xử lý hồ sơ xác nhận doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ thuế và trả kết quả
– Trong thời hạn 02 (hai) ngày làm việc kể từ ngày cơ quan thuế nhận được hồ sơ của người nộp thuế, cơ quan thuế phải thực hiện Thông báo người nộp thuế ngừng hoạt động và đang làm thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế mẫu số 17/TB-ĐKT ban hành kèm theo Thông tư này gửi cho người nộp thuế. Đồng thời chuyển trạng thái của người nộp thuế và các đơn vị trực thuộc của người nộp thuế về trạng thái “NNT ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn thành thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế” trên Hệ thống ứng dụng đăng ký thuế.
– Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày người nộp thuế đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế với cơ quan thuế và cơ quan hải quan theo quy định, cơ quan thuế ban hành Thông báo người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ thuế gửi cho doanh nghiệp.
Lưu ý: Các đơn vị trực thuộc phải thực hiện chấm dứt hiệu lực mã số thuế trước khi đơn vị chủ quản chấm dứt hiệu lực mã số thuế.
Xem thêm: thủ tục đóng mã số thuế đối với hộ kinh doanh
Trên đây là nội dung quy định Chấm dứt hiệu lực mã số thuế khi giải thể doanh nghiệp LawLey gửi đến bạn đọc. Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn chi tiết và được cung cấp dịch vụ Giải thể doanh nghiệp chuyên nghiệp, nhanh chóng.
Thủ tục nộp hồ sơ giải thể doanh nghiệp tư nhân
Thủ tục nộp hồ sơ giải thể doanh nghiệp tư nhân Giải thể doanh nghiệp là việc doanh nghiệp thực hiện thủ tục chấm [...]
Đặc điểm của Doanh nghiệp tư nhân theo quy định
Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về [...]