Quy định của pháp luật về chế độ thai sản khi sinh đôi như thế nào
Chế độ thai sản khi sinh đôi theo luật mới nhất
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư, tôi có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo doanh nghiệp liên tục đã được 5 năm. Vừa rồi tôi có sinh đôi hai cháu vậy theo luật bảo hiểm mới tôi sẽ được hưởng bảo hiểm như thế nào trong trường hợp sinh đôi? Mức hưởng chế độ thai sản khi sinh đôi được tính như thế nào?
Luật sư tư vấn:
Công ty TNHH Tư vấn LawKey Việt Nam cảm ơn chị đã tin tưởng khi gửi câu hỏi đến LawKey. Với thắc mắc của chị, luật sư LawKey tư vấn như sau:
1. Điều kiện hưởng chế độ thai sản
Căn cứ điều 31 Luật bảo hiểm xã hội 2014 về điều kiện hưởng chế độ thai sản thì Lao động nữ sinh con phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
Riêng lao động nữ sinh con đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ cần đáp ứng điều kiện đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Trong trường hợp người lao động thuộc một trong hai trường hợp trên mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản.
Như vậy, trường hợp của chị đã đóng từ đủ 6 tháng trong vòng 12 tháng trước khi sinh thì chị sẽ được hưởng chế độ thai sản khi sinh con.
Xem thêm: Điều kiện hưởng chế độ thai sản của lao động nữ tại doanh nghiệp
2. Về thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh đôi
Căn cứ Điều 34 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về thời gian hưởng chế độ khi sinh con như sau:
“Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.”
Như vậy trường hợp sinh đôi, chị sẽ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 7 tháng; trong đó, chị được nghỉ tối đa trước khi sinh là 02 tháng.
Xem thêm: Thời gian được nghỉ thai sản khi sinh nhiều con
3. Về mức hưởng chế độ thai sản
Căn cứ Điều 39 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 về mức hưởng chế độ thai sản thì chị khi sinh đôi sẽ được nghỉ thai sản 7 tháng và mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ hưởng chế độ thai sản.
Xem thêm: Chế độ thai sản của lao động nữ khi sinh con
4. Về trợ cấp một lần khi sinh con
Căn cứ Điều 38 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 về trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi:
“Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi.
Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con”
Đối với trường hợp sinh đôi, chị sẽ được hưởng trợ cấp một lần tương ứng với 4 tháng tiền lương sở theo quy định của pháp luật. Lương cơ sở hiện nay là 1.390.000 đồng theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 72/2018/NĐ-CP; do đó chị sẽ được nhận 5.560.000 đồng.
Trên đây là nội dung giải đáp thắc mắc về chế độ thai sản khi sinh đôi theo luật mới nhất. Quý bạn đọc còn thắc mắc có thể gọi điện trực tiếp theo số hotline của Lawkey để được tư vấn trực tiếp!
Thủ tục thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định hiện nay
Để được cấp Giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng mẹ tại nước ngoài cần đáp ứng nhiều điều [...]
Trách nhiệm của doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm theo quy định hiện nay
Doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm là tổ chức cung cấp các thông tin có giá trị tham khảo cho nhà đầu tư. Vì thế pháp luật [...]