Chế độ tử tuất đối với người đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
Chế độ tử tuất là một trong các chế độ bảo hiểm xã hội bao gồm mai táng phí và trợ cấp tuất một lần hoặc trợ cấp tuất hàng tháng nhằm chia sẻ rủi ro, bù đắp, hỗ trợ hoặc thay thế một phần thu nhập bị mất cho thân nhân khi người lao động – người đang hưởng chế độ bảo hiểm xã hội chết theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
I. Đối tượng được hưởng chế độ tử tuất
Căn cứ vào khoản 1 điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, những người thuộc một trong các trường hợp sau đây khi chết hoặc bị Tòa án tuyên bố chết thì thân nhân được hưởng tiền tuất hàng tháng:
– Người làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động
– Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng
– Cán bộ, công chức, viên chức
– Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu
– Sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kĩ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân
– Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí
– Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
– Người quản lí doanh nghiệp, người quản lí điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương
– Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn
Căn cứ khoản 6 điều 3 luật Bảo hiểm xã hội 2014, đối tượng là thân nhân của người lao động sau khi người lao động chết, bao gồm: con đẻ, con nuôi, vợ hoặc chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, cha vợ hoặc cha chồng, mẹ vợ hoặc mẹ chồng của người tham gia BHXH hoặc thành viên khác trong gia đình mà người tham gia BHXH có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật của hôn nhân và gia đình.
II. Điều kiện và mức hưởng chế độ tử tuất
1. Chế độ mai táng phí
a. Điều kiện hưởng chế độ mai tang phí
– Khoản 1 điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định điều kiện như sau
+ Người lao động bị chết hoặc bị Tòa án tuyên bố chết là công dân Việt Nam, đang đóng BHXH hoặc đang bảo lưu thời gian đóng BHXH mà đã có thời gian đóng từ đủ 12 tháng trở lên
+ Người lao động chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc chết trong thời gian điều trị do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; người đang hưởng lương hưu; hưởng trợ cấp lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng đã nghỉ việc, sau khi chết thì người lo mai tang tang sẽ được hưởng trợ cấp mai tang phí
– Khoản 2 điều 24 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng không nghỉ việc có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc dưới 12 tháng hoặc có tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện dưới 60 tháng khi chết thì người lo mai táng được hưởng trợ cấp mai táng
– Khoản 3 điều 24 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định: người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng; người đang hưởng trợ cấp hết tuổi lao động hằng tháng; trợ cấp hàng tháng cho những người có đủ 15 năm đến dưới 20 năm công tác thực tế đã hết thời hạn hưởng trợ cấp mất sức lao động; người đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP bao gồm: Bí thư đảng ủy xã, phó Bí thư đảng ủy xã, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã (nơi Bí thư đảng ủy không kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã), Chủ tịch ủy ban nhân dân xã, phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã, Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân xã, Chủ tịch Mặt trận, Trưởng các đoàn thể (Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh), xã đội trưởng, trưởng công an xã, Ủy viên ủy ban nhân dân xã, các chức danh khác thuộc Ủy ban nhân dân
b. Mức hưởng
Được tính bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người lao động chết
2. Chế độ trợ cấp tuất hàng tháng
a. Điều kiện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng
Chế độ này chỉ áp dụng với trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà không áp dụng với đối tượng tham gia lại hình BHXH tự nguyện đáp ứng quy định tại Khoản 1 điều 67 luật Bảo hiểm xã hội 2014:
Xem thêm: Quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyên hiện nay
- Đã đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên nhưng chưa hưởng BHXH một lần
- Đang hưởng lương hưu
- Chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
- Đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng với mức suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên
Lưu ý:
– Theo khoản 2 Điều 25 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, đối với người lao động có thời gian đóng BHXH bắt buộc chưa đủ năm (kể cả người lao động đang bảo lưu thời gian BHXH) còn thiếu không quá 6 tháng mà bị chết, nếu có thân nhân đủ điều kiện hưởng chế độ tuất hằng tháng thì thân nhân được lựa chọn đóng tiếp một lần cho số tháng còn thiếu vào quỹ hưu trí và tử tuất với mức đóng hằng tháng bằng 22% mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động trước khi chết (hoặc trước khi nghỉ việc đối với người lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội) để giải quyết trợ cấp tuất hằng tháng. Trường hợp thân nhân người lao động không đóng cho số tháng còn thiếu thì giải quyết hưởng trợ cấp tuất một lần.
– Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng, người đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP chết nếu có thân nhân đủ điều kiện dưới đây thì được giải quyết hưởng trợ cấp tuất hằng tháng (Khoản 3 điều 25 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH)
Xem thêm: Chế độ với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
b. Mức hưởng
Điều 68 luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định:
– Mức trợ cấp tuất hàng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương cơ sở, trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hàng tháng bằng 70% mức lương cơ sở
– Trường hợp một người lao động chết mà hội đủ điều kiện để thân nhân của họ hưởng chế độ tuất hàng tháng, thì số thân nhân được hưởng trợ cấp hàng tháng không quá 04 người ; trường hợp có từ 02 người chết trở lên thì thân nhân của những người này được hưởng 02 lần mức trợ cấp quy định
– Thời điểm hưởng trợ cấp tuất hàng tháng được thực hiện kể từ sau tháng mà người lao động, người hưởng lương hưu, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chết
Ngoài ra, khoản 2 điều 26 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH còn quy định cụ thể trường hợp: nếu chồng chết, vợ không có nguồn thu nhập và con dưới 18 tuổi, thì con sẽ được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng bằng 50% mức lương cơ sở, và người vợ được hưởng tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở cho đến khi con đủ 18 tuổi, sau đó hưởng trợ cấp tuất hằng tháng bằng 50% mức lương cơ sở.
3. Chế độ trợ cấp tiền tuất một lần
a. Điều kiện hưởng trợ cấp tuất một lần
Ở chế độ này, điều 66 luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định các đối tượng người lao động tham gia BHXH sau khi chết thuộc trường hợp mà thân nhân của họ được hưởng chế độ mai táng phí thì được xem là thỏa mãn điều kiện “cần” để được hưởng chế độ bảo hiểm tuất một lần. Ngoài ra, điều 69 luật Bảo hiểm xã hội 2014 đã quy định điều kiện “đủ” như sau:
– Người lao động chết mà không thuộc các trường hợp mà thân nhân của họ được hưởng chế độ tuất hàng tháng đã được đề cập ở trên
– Người lao động chết thuộc một trong các trường hợp thân nhân của họ được hưởng chế độ tuất hàng tháng, nhưng không có thân nhân hưởng tiền tuất hằng tháng đó
– Thân nhân thuộc diện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng mà có nguyện vọng hưởng trợ cấp tuất một lần, trừ trường hợp con dưới 06 tuổi, con hoặc vợ hoặc chồng mà bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
– Trường hợp người lao động chết mà không có thân nhân hưởng thụ tiền trợ cấp tuất một lần thì khoản trợ cấp này được thực hiện theo quy định của pháp luật về thừa kế.
b. Mức hưởng
Điều 70 luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định:
– Đối với thân nhân của người lao động đang tham gia BHXH bắt buộc hoặc đang bảo lưu thời gian đóng BHXH, được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm trước 2014; bằng 02 tháng cho những năm từ 2014 trở đi
+ Mức thấp nhất bằng 03 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH
+ Mức bình quân tháng đóng BHXH làm căn cứ tính trợ cấp tuất một lần được thực hiện theo quy định về “Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần” tại điều 62 luật BHXH 2014
– Đối với thân nhân của người đang hưởng lương hưu chết được tính theo thời gian đã hưởng lương hưu, chết trong 02 tháng đầu hưởng lương hưu tính bằng 48 tháng lương hưu đang hưởng; nếu chết vào những tháng sau đó, cứ hưởng thêm 01 tháng thì mức trợ cấp giảm đi 0,5 tháng lương hưu, mức thấp nhất bằng 03 tháng lương hưu đang hưởng
Ngoài ra, khoản 2 điều 27 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH còn quy định về mức hưởng tiền tuất một lần như sau:
– Đối với người lao động đã nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần mà đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng với mức suy giảm khả năng lao động dưới 61%; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng; người đang hưởng trợ cấp hằng tháng là những người đã hết tuổi lao động tại thời điểm ngừng hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng, những người có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm công tác thực tế đã hết thời hạn hưởng trợ cấp mất sức lao động khi chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần bằng 3 tháng trợ cấp người lao động đang hưởng trước khi chết.
– Đối với người lao động đã nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần mà đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng với mức suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng khi chết mà không có thân nhân hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 67 của Luật bảo hiểm xã hội thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần bằng 3 tháng trợ cấp người lao động đang hưởng trước khi chết.
– Khi tính trợ cấp tuất một lần đối với người đang đóng bảo hiểm xã hội hoặc đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội chết mà thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ thì từ 01 tháng đến 06 tháng được tính là nửa năm, từ 07 tháng đến 11 tháng được tính là một năm.
Trường hợp tính đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2014 nếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ thì những tháng lẻ đó được chuyển sang giai đoạn từ ngày 01 tháng 01 năm 2014 trở đi để làm căn cứ tính trợ cấp tuất một lần.
Ví dụ: Ông T bị ốm chết, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ tháng 10/2005 đến 3/2017. Ông T có mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là 5.000.000 đồng/tháng.
– Ông T có 8 năm 03 tháng đóng bảo hiểm xã hội ở giai đoạn trước ngày 01/01/2014; có 3 năm 03 tháng đóng bảo hiểm xã hội ở giai đoạn từ ngày 01/01/2014 trở đi.
– Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của ông T được tính như sau (08 năm đóng trước năm 2014 và 3 năm 6 tháng đóng từ năm 2014 trở đi):
((8 x 1,5) + (3,5 x 2)) x 5.000.000 đồng = 95.000.000 đồng.
Trên đây là nội dung tư vấn về Chế độ tử tuất trong loại hình bảo hiểm xã hội tự nguyện LawKey gửi đến bạn đọc. Nếu có vấn đề gì bạn đọc còn thắc mắc, băn khoăn hãy liên hệ với chúng tôi để được giải đáp.
Bình luận về Nguyên tắc và trình tự xử lý bồi thường thiệt hại trong lao động
Bình luận về Nguyên tắc và trình tự xử lý bồi thường thiệt hại trong lao động Khi người lao động gậy thiệt hại [...]
Thử việc theo quy định mới nhất từ ngày 01/01/2021
Bộ luật lao động 2019 quy định như thế nào về thử việc? Những điểm mới về thử việc theo quy định tại Bộ luật [...]