Hưởng chế độ tử tuất khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thế nào
Bố tôi có tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Gia đình tôi muốn hưởng chế độ tử tuất sau khi bố mất không? Mức hưởng bao nhiêu và tôi phải chuẩn bị thủ tục hưởng ra sao?
Tóm tắt câu hỏi:
Bố tôi có tham gia BHXH tự nguyện liên tục từ tháng 1/2004 đến nay nhưng không may mất vào tháng 7/2019 và mới chỉ đóng BHXH đến hết tháng 6/2019. Gia đình tôi muốn hưởng chế độ tử tuất sau khi bố mất thì được hưởng những chế độ gì? Mức hưởng bao nhiêu và tôi phải chuẩn bị thủ tục hưởng ra sao?
Luật sư tư vấn:
Công ty TNHH Tư vấn LawKey Việt Nam cảm ơn anh/chị đã tin tưởng khi gửi câu hỏi đến LawKey. Với thắc mắc của anh/chị, luật sư LawKey tư vấn như sau:
Thứ nhất, về trợ cấp mai táng:
Căn cứ theo Điều 80 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 về trợ cấp mai táng như sau:
“Điều 80. Trợ cấp mai táng
1. Những người sau đây khi chết thì người lo mai táng được nhận trợ cấp mai táng:
a) Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 60 tháng trở lên;
2. Trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người quy định tại khoản 1 Điều này chết”.
Như vậy, theo quy định trên, bố bạn tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được 15 năm 6 tháng thì khi chết thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà bố bạn chết. Hiện nay, lương cơ sở là 1.490.000 đồng (theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 38/2019/NĐ-CP) nên gia đình bạn được hưởng trợ cấp mai táng bằng 14.900.000 đồng.
Xem thêm: Khái quát về bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người dân, lao động tự do
Thứ hai, về trợ cấp tuất:
Hiện nay, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện mất thì thân nhân không được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng mà chỉ có thể nhận một lần. Và mức hưởng được quy định tại khoản 2 Điều 81 Luật bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
“2. Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội hoặc đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm tính bằng 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 79 của Luật này cho những năm đóng bảo hiểm xã hội trước năm 2014; bằng 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội cho các năm đóng từ năm 2014 trở đi.
Trường hợp người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức trợ cấp tuất một lần bằng số tiền đã đóng nhưng mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội; trường hợp người lao động có cả thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện thì mức hưởng trợ cấp tuất một lần tối thiểu bằng 03 tháng mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội”
Mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội được quy định tại Điều 79 như sau:
“1. Mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội được tính bằng bình quân các mức thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian đóng.
2. Thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội để làm căn cứ tính mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ.”
Đối chiếu với trường hợp của bạn:
Bố bạn tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện 15 năm thì mức trợ cấp tuất một lần được tính như sau:
+) Đối với thời gian tham gia bảo hiểm xã hội trước 2014, cứ một năm làm việc được hưởng 1.5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội. Vì vậy 10 năm làm việc được hưởng 15 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.
+) Đối với thời gian tham gia bảo hiểm xã hội sau 2014, cứ một năm làm việc được hưởng 2 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội. Do đó, 5 năm 6 tháng (tính là 5,5 năm) làm việc được hưởng 11 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Xem thêm: Mức đóng và phương thức đóng của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
Thứ ba, về thủ tục hưởng chế độ tử tuất
Hồ sơ hưởng chế độ tử tuất theo Điều 22 Quyết định 636/QĐ-BHXH bao gồm:
1. Sổ BHXH của bố bạn.
2. Giấy chứng tử hoặc giấy báo tử hoặc trích lục khai tử.
3. Tờ khai của thân nhân theo mẫu số 09A-HSB (bản chính).
Theo khoản 6 Điều 3 Luật bảo hiểm xã hội thì Thân nhân là con đẻ, con nuôi, vợ, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, cha vợ, mẹ vợ của bố bạn hoặc thành viên khác trong gia đình mà bố bạn đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.
Thời hạn và cơ quan có thẩm quyền giải quyết hưởng theo Điều 112 Luật bảo hiểm xã hội như sau:
1. Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày bố bạn chết thì bạn nộp hồ sơ như trên cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
2. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, người sử dụng lao động nộp hồ sơ của bạn cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết và tổ chức chi trả cho thân nhân của bố bạn. Trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Xem thêm: Chế độ tử tuất đối với người đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
Trên đây là nội dung Hỏi về chế độ tử tuất khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện LawKey gửi đến bạn đọc. Hãy liên hệ với chúng tôi để được giải đáp những vấn đề bạn còn băn khoăn.
Kết hôn trái pháp luật là gì?
Kết hôn trái pháp luật là gì? Ai có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật? Hậu quả pháp lý của việc hủy kết [...]
Lập di chúc có cần sự đồng ý của tất cả các con không?
Việc lập di chúc để phân chia tài sản sau khi người lập di chúc mất tránh xảy ra tranh chấp. Vậy lập di chúc có cần sự [...]