Chỉ định thương nhân xuất nhập khẩu theo quy định
Chỉ định thương nhân xuất nhập khẩu là gì? Chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu là một biện pháp hành chính nhằm mục đích hạn chế số lượng, khối lượng hàng hóa đi ra, đi vào lãnh thổ Việt Nam. Đây là một trong những biện pháp được ghi nhận trong Luật quản lý ngoại thương năm 2017.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ đi tìm hiểu biện pháp chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu theo hình thức phân tích khái niệm, các trường hợp cụ thể áp dụng, nguyên tắc áp dụng và chủ thể có thẩm quyền áp dụng.
1. Chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu là gì?
Có thể hiểu rằng chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu là lựa chọn, giao cho một hoặc một số thương nhân cụ thể được phép xuất khẩu, nhập khẩu những mặt hàng nhất định. Biện pháp này đã được quy định rõ tại Điều 26 Luật quản lý ngoại thương như sau: “Chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng để quyết định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu đối với một số loại hàng hóa nhất định”.
Qua những phân tích trên, chúng ta nhận thấy rằng biện pháp chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu là biện pháp với mục đích hạn chế việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa. Đối với biện pháp này, chỉ những thương nhân được cơ quan nhà nươc có thẩm quyền lựa chọn thì mới được phép thưc hiện xuất khẩu, nhập khẩu đối với một số loại hàng hóa nhất định. Những thương nhân không được chỉ định sẽ không được phép thực hiện hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu đối với những loại hàng hóa này.
2. Các trường hợp áp dụng biện pháp chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu
Hiện tại, biện pháp chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu chỉ được áp dụng trong ba trường hợp cụ thể.
Thứ nhất, theo Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Đây là trường hợp mà Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia có quy định về việc chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu đối với một số loại hàng hóa nhất định. Như vậy, trong trường hợp này, khi thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu nhưng loại hàng hóa này, Việt Nam sẽ phải chỉ định những thương nhân cụ thể để thực hiện theo đúng quy định của Điều ước quốc tế.
Thứ hai, hàng hóa độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại theo quy định của pháp luật về thương mại.Trường hợp này được áp dụng đối với những hàng hóa độc quyền của nhà nước trong hoạt động thương mại. Để áp dụng đúng trong trường hợp này đòi hỏi chủ thể áp dụng phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật về thương mại.
Thứ ba, hàng hóa thuộc trường hợp phải áp dụng biện pháp kiểm soát khẩn cấp trong quản lý ngoại thương quy định tại Chương V của Luật quản lý ngoại thương năm 2017. Đối với trường hợp này, chủ thể có thẩm quyền sẽ quyết định chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa thuộc các trường hợp như: Hàng hóa đến từ quốc gia, vùng lãnh thổ, khu vực địa lý xảy ra chiến tranh, tham gia chiến tranh, xung đột hoặc có nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến an ninh, lợi ích quốc gia của Việt Nam; Hàng hóa đến từ quốc gia, vùng lãnh thổ, khu vực địa lý xảy ra thiên tai, dịch bệnh, sự cố môi trường mà cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thông tin một cách công khai hoặc chứng minh được là có đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng hàng hóa đó…
3. Nguyên tắc áp dụng
Nguyên tắc áp dụng biện pháp chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Luật quản lý ngoại thương như sau: “Việc áp dụng biện pháp chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu phải bảo đảm công khai, minh bạch; bảo đảm quyền, lợi ích của Nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp của thương nhân được chỉ định thực hiện hoạt động ngoại thương”.
4. Chủ thể có thẩm quyền áp dụng
Để xác đinh được chủ thể có thẩm quyền áp dụng biện pháp chỉ định xuất khẩu, nhập khẩu, trước hết phải xác định được danh mục các loại hàng hóa và các điều kiện để chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu. Liên quan đến vấn đề này, hiện nay Chính phủ đã giao trách nhiệm này cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ chịu trách nhiệm quản lý hàng hóa theo danh mục thực hiện. Có thể hiểu đơn giản là Bộ nào quản lý những loại hàng hóa gì thì Bộ đó chính là cơ quan có xác định các danh mục hàng hóa và điều kiện chỉ định thương nhân thực hiện việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa đó. Từ đó, chúng ta có thể xác định được chủ thể có thẩm quyền áp dụng biện pháp chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu chính là Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đã xây dựng và xác định danh mục và điều kiện chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu.
Điều này đã được quy định rõ tại Điều 28 Luật quản lý ngoại thương như sau:
“1. Chính phủ quy định Danh mục hàng hóa và điều kiện chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu; quy định các Bộ, cơ quan ngang Bộ chịu trách nhiệm quản lý hàng hóa theo Danh mục.
2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý và chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra việc thực hiện hoạt động ngoại thương của thương nhân được chỉ định.”
Trên đây là những quy định biện pháp chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của luật Quản lý ngoại thương năm 2017, Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có vấn đề gì mà Bạn đọc chưa hiểu rõ hãy lên hệ với Lawkey gặp luật sư để được giải đáp cụ thể hơn.
Xem thêm: Chỉ định cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu
Quy định về việc cấp lại Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành
Trường hợp doanh nghiệp làm mất hoặc làm hư hỏng Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành thì phải làm thủ tục cấp lại. [...]
Quy định về xử lý tài sản thế chấp là quyền đòi nợ
Pháp luật quy định thế nào về xử lý tài sản thế chấp là quyền đòi nợ? Trong bài viết này Luật LawKey sẽ chia sẻ, [...]