Có được phép chia sẻ file chương trình qua mạng không?
Trường hợp cá nhân mua đĩa VCD chương trình và chia sẻ file qua mạng có xâm phạm quyền liên quan đến quyền tác giả không?
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư, tôi muốn xin tư vấn về vấn đề sau: Tôi mua đĩa VCD Gặp nhau cuối năm và đã chia sẻ file qua mạng xã hội Youtube. Vậy cho tôi hỏi việc chia sẻ file như vậy có vi phạm pháp luật không?
Luật sư tư vấn:
Công ty TNHH Tư vấn LawKey Việt Nam cảm ơn anh/chị đã tin tưởng khi gửi câu hỏi đến LawKey. Với thắc mắc của anh/chị, luật sư LawKey tư vấn như sau:
Các vấn đề pháp lý về quyền liên quan đến quyền tác giả
Quyền liên quan và đối tượng của quyền liên quan
Quyền liên quan đến quyền tác giả ( quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.
Đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá.
Xem thêm: Quyền liên quan đến quyền tác giả theo quy định của pháp luật
Hành vi xâm phạm quyền liên quan
Các hành vi sau được coi là xâm phạm quyền liên quan:
– Chiếm đoạt quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.
– Mạo danh người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.
– Công bố, sản xuất và phân phối cuộc biểu diễn đã được định hình, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng mà không được phép của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.
– Sửa chữa, cắt xén, xuyên tạc dưới bất kỳ hình thức nào đối với cuộc biểu diễn gây phương hại đến danh dự và uy tín của người biểu diễn.
– Sao chép, trích ghép đối với cuộc biểu diễn đã được định hình, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng mà không được phép của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.
– Dỡ bỏ hoặc thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử mà không được phép của chủ sở hữu quyền liên quan.
– Cố ý huỷ bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền liên quan thực hiện để bảo vệ quyền liên quan của mình.
– Phát sóng, phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng cuộc biểu diễn, bản sao cuộc biểu diễn đã được định hình hoặc bản ghi âm, ghi hình khi biết hoặc có cơ sở để biết thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử đã bị dỡ bỏ hoặc đã bị thay đổi mà không được phép của chủ sở hữu quyền liên quan.
– Sản xuất, lắp ráp, biến đổi, phân phối, nhập khẩu, xuất khẩu, bán hoặc cho thuê thiết bị khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị đó giải mã trái phép một tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá.
– Cố ý thu hoặc tiếp tục phân phối một tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá khi tín hiệu đã được giải mã mà không được phép của người phân phối hợp pháp.
Xem thêm: Hành vi xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả
Căn cứ xem xét hành vi xâm phạm quyền liên quan
Theo quy định tại Điều 5, Nghị định 105/2006/NĐ-CP, các hành vi trên chỉ bị xem xét bị coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ khi có đủ các căn cứ sau:
– Đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
– Có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét.
– Người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép.
– Hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam. Hành vi bị xem xét cũng bị coi là xảy ra tại Việt Nam nếu hành vi đó xảy ra trên mạng internet nhưng nhằm vào người tiêu dùng hoặc người dùng tin tại Việt Nam.
Quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình
Nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình là tổ chức, cá nhân định hình lần đầu âm thanh, hình ảnh của cuộc biểu diễn hoặc các âm thanh, hình ảnh khác
Nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình có độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện các quyền sau đây:
– Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình của mình;
– Nhập khẩu, phân phối đến công chúng bản gốc và bản sao bản ghi âm, ghi hình của mình thông qua hình thức bán, cho thuê hoặc phân phối bằng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được.
Nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình được hưởng quyền lợi vật chất khi bản ghi âm, ghi hình của mình được phân phối đến công chúng.
Với tình huống anh/chị thắc mắc, Lawkey xin phân tích như sau:
Thứ nhất, hành vi chia sẻ file VCD Gặp nhau cuối năm của anh/chị được xác định là hành vi phân phối bản ghi âm, ghi hình mà không được phép của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình. Hành vi này bị coi là xâm phạm quyền liên quan của tác giả theo quy định tại Khoản 3 Điều 35 Luật Sở hữu trí tuệ 2005.
Thứ hai, dựa vào các căn cứ xem xét hành vi xâm phạm quyền liên quan nêu trên, Lawkey xin phân tích như sau:
– Đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ:
+ Quyền liên quan phát sinh kể từ khi bản ghi âm, ghi hình được định hình hoặc thực hiện mà không gây phương hại đến quyền tác giả. Theo đó, đĩa VCD anh/chị mua là bản ghi âm, ghi hình của chương trình Găp nhau cuối năm là đối tượng được bảo hộ theo quy định về căn cứ phát sinh, xác lập quyền liên quan.
– Có yếu tố xâm phạm quyền liên quan trong đối tượng bị xem xét:
+ Yếu tố xâm phạm trong trường hợp này làản sao bản định hình cuộc biểu diễn, bản sao bản ghi âm, ghi hình, bản sao chương trình phát sóng được tạo ra một cách trái phép.
+ Việc anh/chị chia sẻ file đã ảnh hưởng đến việc khai thác bản ghi âm, ghi hình chương trình Gặp nhau cuối năm. Công chúng có thể tiếp cận với chương trình qua file anh/chị chia sẻ thay vì mua đĩa VCD, việc này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền của nhà sản xuất trong việchưởng quyền lợi vật chất khi bản ghi âm, ghi hình của mình được phân phối đến công chúng.
– Anh/chị không phải là chủ sở hữu bản ghi âm, ghi hình đó và cũng không được cơ quan có thẩm quyền cho phép, không thuộc các trường hợp ngoại lệ pháp luật quy định.
– Việc chia sẻ file của anh/chị xảy ra trên mạng internet nhưng nhằm vào người tiêu dùng hoặc người dùng tin tại Việt Nam nên cũng bị coi là xảy ra tại Việt Nam.
Như vậy, dựa vào những phân tích trên, hành vi của anh/chị bị coi là hành vi xâm phạm quyền liên quan đến quyền tác giả.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey để được tư vấn.
Phân tích điều kiện bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo quy định
Bảo hộ chỉ dẫn địa lý cần những điều kiện gì? Những vấn đề cần biết về bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo quy định [...]
Phân loại nhãn hiệu
Việc phân loại nhãn hiệu có ý nghĩa lớn về mặt lý luận và thực tiễn. Phân loại nhãn hiệu cho phép xác định đặc trưng [...]