Chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân
Chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân là việc vợ chồng thỏa thuận hoặc yêu cầu Tòa án nhân dân quyết định trường hợp chia tài sản chung khi hôn nhân vẫn còn tồn tại nhằm phân chia tài sản chung của vợ chồng thành từng phần thuộc sở hữu riêng của vợ và chồng.
Sau đây, LawKey xin gửi đến bạn đọc những quy định cần biết khi chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
1. Cách thức chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kì hôn nhân
Việc chia tài sản chung của vợ chồng dựa trên những điều kiện và nguyên tắc quy định tại Luật hôn nhân và gia đình 2014 và Nghị định 126/2014/NĐ-CP nhằm bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của vợ chồng đối với tài sản chung.
Điều 38 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định: Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, trừ trường hợp quy định tại Điều 42 của Luật hôn nhân và gia đình 2014; nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.Trong trường hợp vợ, chồng có yêu cầu thì Tòa án giải quyết việc chia tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại Điều 59 của Luật hôn nhân và gia đình 2014.
Như vậy, việc chia tài sản chung của vợ chồng có thể được giải quyết theo thỏa thuận của vợ chồng hoặc bằng con đường Tòa án.
Xem thêm: Tài sản của vợ chồng khi kết hôn được xác định như thế nào
2. Hình thức của thỏa thuận về việc chia tài sản chung của vợ chồng
Thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.
Xem thêm: Mẫu văn bản thỏa thuận chi sài sản chung của vợ chồng
Công chứng Văn bản thỏa thuận tài sản vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân
3. Thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung
+ Thời điểm do vợ chồng thỏa thuận và được ghi trong văn bản; nếu trong văn bản không xác định thời điểm có hiệu lực thì thời điểm có hiệu lực được tính từ ngày lập văn bản.
+ Trong trường hợp tài sản được chia mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực từ thời điểm việc thỏa thuận tuân thủ hình thức mà pháp luật quy định.
+ Trong trường hợp Tòa án chia tài sản chung của vợ chồng thì việc chia tài sản chung có hiệu lực kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
+ Quyền, nghĩa vụ về tài sản giữa vợ, chồng với người thứ ba phát sinh trước thời điểm việc chia tài sản chung có hiệu lực vẫn có giá trị pháp lý, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
4. Hậu quả pháp lý của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân
+ Về quan hệ nhân thân: Sau khi chia tài sản chung, quan hệ vợ chồng vẫn tồn tại. Dù vợ chồng sống chung hay ở riêng cũng không làm hạn chế các quyền nhân thân giữa vợ, chồng.
+ Về quan hệ tài sản: Điều 14 Nghị định 126/2014/NĐ-CP quy định: việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân không làm chấm dứt chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định.
Từ thời điểm việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực, nếu vợ chồng không có thỏa thuận khác thì phần tài sản được chia; hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đó; hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng khác của vợ, chồng là tài sản riêng của vợ, chồng. Nếu tài sản có được từ việc khai thác tài sản riêng của vợ, chồng mà không xác định được đó là thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh của vợ, chồng hay là hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng đó thì thuộc sở hữu chung của vợ chồng.
Xem thêm: Chế độ tài sản của vợ chồng theo Luật hôn nhân và gia đình
Trên đây là nội dung quy định về Chia tài sản chung của vợ chồng LawKey gửi đến bạn đọc. Nếu có vấn đề thắc mắc cần giải đáp thêm, Bạn đọc hãy liên hệ với chúng tôi để được giải đáp.
Ai được chia tài sản nhiều hơn khi ly hôn?
Theo quy định của pháp luật thì trong trường hợp vợ chồng ly hôn, ai sẽ được chia tài sản nhiều hơn và trong trường [...]
Giải quyết tranh chấp về việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng
Trong trường hợp các bên không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thì phải làm thế nào để đảm bảo quyền lợi? [...]