Chủ thể của hợp đồng ủy quyền theo quy định của pháp luật dân sự
Chủ thể của hợp đồng ủy quyền theo quy định của pháp luật dân sự gồm những ai? Pháp luật quy định những chủ thể này có quyền và nghĩa vụ gì trong việc thực hiện ủy quyền?
Hợp đồng ủy quyền là gì?
Điều 562 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS) quy định Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Xem thêm: Hợp đồng ủy quyền là gì? theo quy định của Bộ luật dân sự 2015
Quan hệ của các chủ thể của hợp đồng ủy quyền
Trên cơ sở hợp đồng ủy quyền, người được ủy quyền đại diện cho người ủy quyền thực hiện các hành vi pháp lí trong phạm vi thẩm quyền. Vì vậy, đại diện theo ủy quyền có hai mối quan hệ pháp lí cùng tồn tại.
– Quan hệ giữa người ủy quyền và người được ủy quyền. Người được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện các hành vi pháp lí trong phạm vi ủy quyền
– Quan hệ giữa người được ủy quyền với bên thứ ba của giao dịch. Người được ủy quyền với tư cách của người đã ủy quyền giao kết hoặc thực hiện các giao dịch dân sự với người thứ ba. Người được ủy quyền có những quyền và nghĩa vụ nhất định với người thứ ba của giao dịch.
Quyền và nghĩa vụ của bên được ủy quyền
Nghĩa vụ của bên được ủy quyền
Điều 565 BLDS quy định bên được ủy quyền có nghĩa vụ như sau:
– Thực hiện công việc theo ủy quyền và báo cho bên ủy quyền về việc thực hiện công việc đó.
– Báo cho người thứ ba trong quan hệ thực hiện ủy quyền về thời hạn, phạm vi ủy quyền và việc sửa đổi, bổ sung phạm vi ủy quyền.
– Bảo quản, giữ gìn tài liệu và phương tiện được giao để thực hiện việc ủy quyền.
– Giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong khi thực hiện việc ủy quyền.
– Giao lại cho bên ủy quyền tài sản đã nhận và những lợi ích thu được trong khi thực hiện việc ủy quyền theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
– Bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ.
– Người được ủy quyền thực hiện các hành vi pháp lí vượt quá giới hạn được ủy quyền phải tự mình chịu trách nhiệm về hành vi vượt quá thẩm quyền đó.
– Trực tiếp thực hiện nghĩa vụ của mình mà không được ủy quyền lại cho người khác, trừ trường hợp có thỏa thuận.
Quyền của bên được ủy quyền
Điều 566 BLDS cho phép bên được ủy quyền có những quyền sau:
– Được phép thực hiện các hành vi pháp lí trong phạm vi được ủy quyền
– Yêu cầu bên ủy quyền cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết để thực hiện công việc ủy quyền.
– Được thanh toán chi phí hợp lý mà mình đã bỏ ra để thực hiện công việc ủy quyền; hưởng thù lao, nếu có thỏa thuận.
– Có thể ủy quyền lại cho người thứ ba thực hiện hành vi được ủy quyền nếu được bên ủy quyền đồng ý hoặc pháp luật có quy định Khi người được ủy quyền ủy quyền lại cho người thứ ba thực hiện một số hành vi pháp lí thì người được ủy quyền và người thứ ba đại diện cho người ủy quyền tham gia giao dịch với người khác trong phạm vi được ủy quyền. Việc ủy quyền và ủy quyền lại phải lập thành văn bản, tùy trường hợp mà cần phải công chứng, chứng thực.
Quyền và nghĩa vụ của bên ủy quyền
Bên ủy quyền có thể là cá nhân hoặc pháp nhân ủy quyền cho người khác nhân danh mình thực hiện toàn bộ hoặc một số hành vi pháp lí nhất định.
Nghĩa vụ của bên ủy quyền
Pháp luật quy định nghĩa vụ của bên ủy quyền tại Điều 567 BLDS, cụ thể:
– Cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết để bên được ủy quyền thực hiện công việc.
– Chịu trách nhiệm về cam kết do bên được ủy quyền thực hiện trong phạm vi ủy quyền.
– Thanh toán chi phí hợp lý mà bên được ủy quyền đã bỏ ra để thực hiện công việc được ủy quyền; trả thù lao cho bên được ủy quyền, nếu có thỏa thuận về việc trả thù lao.
– Chịu trách nhiệm dân sự khi thực hiện việc ủy quyền mà gây thiệt hại cho bên kia.
– Nhận kết quả công việc mà người được ủy quyền đã thực hiện.
Quyền của bên ủy quyền
Quyền của bên ủy quyền được quy định tại Điều 568 BLDS như sau:
– Yêu cầu bên được ủy quyền thông báo đầy đủ về việc thực hiện công việc ủy quyền.
– Yêu cầu bên được ủy quyền giao lại tài sản, lợi ích thu được từ việc thực hiện công việc ủy quyền, trừ trường hợp phương tiện, giấy tờ không còn do việc thực hiện nhiệm vụ ủy quyền hoặc có thỏa thuận khác
– Được bồi thường thiệt hại, nếu bên được ủy quyền vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều 565 của Bộ luật này.
– Kiểm soát hành vi thực hiện giao dịch của bên được ủy quyền. Nếu bên được ủy quyền thực hiện nghĩa vụ của mình không đúng hoặc có thể gây thiệt hại, bên ủy quyền có thể chấm dứt việc ủy quyền
Trên đây là nội dung Chủ thể của hợp đồng ủy quyền theo quy định của pháp luật dân sự Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey.
Xem thêm: Chủ thể của hợp đồng dịch vụ theo quy định của pháp luật
Ủy quyền quản lý nhà ở phải lập thành hợp đồng ủy quyền không?
Cấp Giấy phép bán lẻ rượu theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay
Thương nhân sản xuất rượu công nghiệp, sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích bán lẻ rượu có độ cồn từ 5,5 độ [...]
Ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư theo quy định mới nhất
Để đảm bảo thực hiện dự án đầu tư, nhiều trường hợp nhà đầu tư buộc phải ký quỹ. Vậy việc ký quỹ bảo đảm [...]