Chứng minh xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp thế nào?
Chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ chứng minh chủ thể khác xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp của mình như thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư, tôi muốn xin tư vấn về vấn đề sau: Tôi là chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp đối với ghế sofa ABC được bảo hộ từ tháng 7/2017 trên cơ sở nộp đơn từ ngày 01/01/2016. Tháng 8/2017, tôi phát hiện cơ sở X sản xuất và đưa ra thị trường kiểu dáng sofa không khác biệt với kiểu dáng được bảo hộ của mình. Xin hỏi, tôi cần cung cấp những gì để chứng minh cơ sở X xâm phạm quyền đối với kiểu dáng sofa của tôi?
Luật sư trả lời:
Công ty TNHH Tư vấn LawKey Việt Nam cảm ơn anh/chị đã tin tưởng khi gửi câu hỏi đến LawKey. Với thắc mắc của anh/chị, luật sư LawKey đưa ra ý kiến như sau:
Các vấn đề pháp lý về xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp
Hành vi xâm phạm quyền của chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp
– Sử dụng kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ hoặc kiểu dáng công nghiệp không khác biệt đáng kể với kiểu dáng đó trong thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ mà không được phép của chủ sở hữu;
– Sử dụng kiểu dáng công nghiệp mà không trả tiền đền bù theo quy định về quyền tạm thời.
Tuy nhiên, để nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác, Luật Sở hữu trí tuệ 2005 đã quy định thêm về các trường hợp giới hạn quyền sở hữu công nghiệp. Đối với kiểu dáng công nghiệp, yếu tố hạn chế là quyền của người sử dụng trước.
Xem thêm: Quy định về hành vi xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp
Căn cứ xác định hành vi xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp
Nghị định 105/2006/NĐ-CP đã quy định căn cứ xác định hành vi xâm phạm. Theo đó, Hành vi bị xem xét bị coi là hành vi xâm phạm khi có đủ các căn cứ sau đây:
– Đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
– Có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét.
– Người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép theo các trường hợp ngoại lệ.
– Hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam. Hành vi bị xem xét cũng bị coi là xảy ra tại Việt Nam nếu hành vi đó xảy ra trên mạng internet nhưng nhằm vào người tiêu dùng hoặc người dùng tin tại Việt Nam.
Quyền của chủ sở hữu đối với kiểu dáng công nghiệp
Sử dụng, cho phép người khác sử dụng kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ, gồm các hành vi:
– Sản xuất sản phẩm có hình dáng bên ngoài là kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ.
– Lưu thông, quảng cáo, chào hàng, tàng trữ để lưu thông sản phẩm này.
– Nhập khẩu sản phẩm này.
Quyền ngăn cấm người khác sử dụng kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ. Trừ các trường hợp sau:
– Sử dụng kiểu dáng công nghiệp nhằm phục vụ nhu cầu cá nhân hoặc mục đích phi thương mại hoặc nhằm mục đích đánh giá, phân tích, nghiên cứu, giảng dạy, thử nghiệm, sản xuất thử hoặc thu thập thông tin để thực hiện thủ tục xin phép sản xuất, nhập khẩu, lưu hành sản phẩm
– Sử dụng kiểu dáng công nghiệp chỉ nhằm mục đích duy trì hoạt động của các phương tiện vận tải của nước ngoài đang quá cảnh hoặc tạm thời nằm trong lãnh thổ Việt Nam.
– Sử dụng kiểu dáng công nghiệp do người có quyền sử dụng trước thực hiện theo quy định về quyền sử dụng trước kiểu dáng công nghiệp
Với tình huống anh/chị thắc mắc, Lawkey xin đưa ra một số tư vấn:
Kiểu dáng sofa anh/chị đã được bảo hộ và được cấp văn bằng bảo hộ vào tháng 7/2017. Theo đó, anh/chị hoàn toàn có các quyền của chủ sở hữu đối với kiểu dáng công nghiêp sofa đó. Việc cơ sở X sản xuất và đưa ra thị trường kiểu dáng sofa không khác biệt với kiểu dáng được bảo hộ của anh/chị là hanh vi xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp.
Dưới đây là một số chứng cứ anh/chị nên cung cấp để chứng minh hành vi xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp sofa của cơ sở X:
– Bản gốc văn bằng bảo hộ: trong đó gồm bản mô tả kiểu dáng sofa được bảo hộ của anh/chị, ngày nộp đơn đăng ký, chủ sở hữu là anh/chị và thời hạn bảo hộ.
– Bản trích lục Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp
– Chứng cứ chứng minh hành vi của cơ sở X xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam: mẫu sofa thu được ở thị trường; giấy tờ/hình ảnh quảng cáo cho sản phẩm; danh sách cửa hàng phân phối sản phẩm (nếu có); địa chỉ cơ sở sản xuất, hình ảnh nhà xưởng ( nếu có).
– Chứng minh việc sử dụng kiểu dáng sofa của X không được anh/chị đồng ý ( không có hợp đồng) và không thuộc các trường hợp giới hạn quyền như đã nêu ở trên.
– Chứng minh X không có quyền sử dụng trước vì X không độc lập tạo ra kiểu dáng sofa đó
– Chứng minh có yếu tố xâm phạm trong kiểu dáng sofa: Sản phẩm của X tập hợp tập hợp các đặc điểm tạo dáng hợp thành một tổng thể không khác biệt đáng kể so với kiểu dáng sofa của anh/chị
Trên đây là một số tư vấn LawKey giải đáp cho tình huống anh/chị thắc mắc. Để tránh các rủi ro pháp lý vui lòng liên hệ với Lawkey.
Phân loại nhãn hiệu
Việc phân loại nhãn hiệu có ý nghĩa lớn về mặt lý luận và thực tiễn. Phân loại nhãn hiệu cho phép xác định đặc trưng [...]
Xác định thiệt hại từ hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được coi là một dạng của thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định [...]