Có cần làm thủ tục xóa đăng ký tạm trú ở chỗ cũ khi chuyển trọ không?
Có cần làm thủ tục xóa đăng ký tạm trú ở chỗ cũ khi chuyển trọ không? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Các trường hợp xóa đăng ký tạm trú
Theo khoản 1 Điều 29 Luật Cư trú 2020 thì người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị xóa đăng ký tạm trú:
Chết; có quyết định của Tòa án tuyên bố mất tích hoặc đã chết;
Đã có quyết định hủy bỏ đăng ký tạm trú;
Vắng mặt liên tục tại nơi tạm trú từ 06 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác;
Đã được cơ quan có thẩm quyền cho thôi quốc tịch Việt Nam, tước quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam;
Đã được đăng ký thường trú tại chính nơi tạm trú;
Người đã đăng ký tạm trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác;
Người đã đăng ký tạm trú tại chỗ ở hợp pháp nhưng sau đó quyền sở hữu chỗ ở đó đã chuyển cho người khác, trừ trường hợp được chủ sở hữu mới đồng ý cho tiếp tục sinh sống tại chỗ ở đó;
Người đăng ký tạm trú tại chỗ ở đã bị phá dỡ, tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tại phương tiện đã bị xóa đăng ký phương tiện theo quy định của pháp luật.
Có cần làm thủ tục xóa đăng ký tạm trú ở chỗ cũ khi chuyển trọ không?
Theo quy định tại mục 1 nêu trên, người đã đăng ký tạm trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác sẽ bị xóa đăng ký thường trú.
Theo đó, trong trường hợp cá nhân chuyển đến nơi ở mới mà không đăng ký tạm trú thì mới bị xóa đăng ký tạm trú. Nếu chuyển đến nơi ở mới mà cá nhân đã thực hiện đăng ký tạm trú thì cơ quan công an sẽ cập nhật thông tin cư trú tại nơi ở mới của cá nhân trên Cơ sở dữ liệu về cư trú, nên cá nhân không cần phải làm thủ tục xóa đăng ký tạm trú ở nơi cũ.
Chuyển trọ mới nhưng không đăng ký tạm trú bị phạt thế nào?
Theo khoản 1 Điều 27 Luật Cư trú 2020 thì:
“Công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú.”
Do đó, nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đúng trong thời hạn quy định (30 ngày kể từ ngày đến sinh sống tại nơi ở trọ) thì có thể bị phạt. Cụ thể:
Người nào không thực hiện đúng quy định về đăng ký tạm trú, xoá đăng ký tạm trú hoặc điều chỉnh thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng – 1.000.000 đồng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 9 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Ngoài ra, nếu đã cư trú tại chỗ ở hợp pháp mới (chuyển chỗ trọ mới…), đủ điều kiện đăng ký cư trú nhưng không thực hiện thủ tục thay đổi nơi đăng ký cư trú thì sẽ bị phạt từ 1.000.000 – 2.000.000 đồng theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 9 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Như vậy, cá nhân chuyển trọ mới có nghĩa vụ đăng ký tạm trú theo quy định. Nếu không đăng ký tạm trú tại chỗ ở mới thì cá nhân có thể bị phạt từ 1.000.000 – 2.000.000 đồng.
>>Xem thêm: Sinh viên đi học có phải đăng ký tạm trú không?
Trên đây là nội dung bài viết của chúng tôi. Nếu có thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ Lawkey để được giải đáp chi tiết nhất.
Những loại thuế, phí khi bán xe ô tô theo quy định pháp luật
Sau đây LawKey sẽ giải đáp những thắc mắc của bạn đọc về các loại thuế, phí cần phải đóng khi bán xe ô tô theo quy định [...]
Nhận con nuôi của người nước ngoài thường trú ở Việt Nam
Việc nhận con nuôi của người nước ngoài thường trú ở Việt Nam được quy định trong Luật Nuôi con nuôi 2010. Hãy cùng [...]