Công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế
Hoạt động công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế được quy định khác nhau đối với từng loại tài sản khác nhau. Vậy hiểu thế nào về việc công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế?
Quy định về thỏa thuận phân chia di sản thừa kế
Bộ luật dân sự 2015 quy định tại Điều 656 về Họp mặt những người thừa kế. Theo đó, Sau khi có thông báo về việc mở thừa kế hoặc di chúc được công bố, những người thừa kế có thể họp mặt để thỏa thuận những việc sau đây và Mọi thỏa thuận của những người thừa kế phải được lập thành văn bản.
– Cử người quản lý di sản, người phân chia di sản, xác định quyền, nghĩa vụ của những người này, nếu người để lại di sản không chỉ định trong di chúc;
– Cách thức phân chia di sản.
Như vậy, thỏa thuận phân chia di sản thừa kế là sự thỏa thuận của những người thừa kế để phân chia di sản, quyền và nghĩa vụ các bên, cách thức phân chia di sản và việc thỏa thuận đó phải được lập thành văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế.
Quy định về công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế
Pháp luật quy định về việc công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản tại điều 57 Luật công chứng 2014. Cụ thể:
Người có quyền yêu cầu
Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản.
Nội dung trong văn bản
Trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản, người được hưởng di sản có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần di sản mà mình được hưởng cho người thừa kế khác.
Giá trị pháp lý của văn bản
Văn bản thỏa thuận phân chia di sản đã được công chứng là một trong các căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người được hưởng di sản.
Đối với di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản phải đăng ký sở hữu
Trường hợp di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó.
Yêu cầu về việc chứng minh quan hệ của người để lại thừa kế và người thừa kế
Trường hợp thừa kế theo pháp luật, thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế. Trường hợp thừa kế theo di chúc, trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có bản sao di chúc.
Công chứng viên phải kiểm tra để xác định người để lại di sản đúng là người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản và những người yêu cầu công chứng đúng là người được hưởng di sản; nếu thấy chưa rõ hoặc có căn cứ cho rằng việc để lại di sản và hưởng di sản là không đúng pháp luật thì từ chối yêu cầu công chứng hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định.
Quy định về việc niêm yết
Tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản trước khi thực hiện việc công chứng.
Trên đây là nội dung Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey để được tư vấn.
Cơ quan nào có thẩm quyền chứng thực giấy tờ, văn bản 2024
Cơ quan nào có thẩm quyền chứng thực giấy tờ, văn bản theo quy định pháp luật hiện hành? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài [...]
Để trở thành công chứng viên cần đáp ứng điều kiện gì?
Công chứng viên là người được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm để hành nghề công chứng. Vậy để được bổ nhiệm [...]