Có được cộng dồn thời gian đóng Bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng
Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp khi chấm dứt hợp đồng nhưng chưa thực hiện kê khai để hưởng được cộng dồn vào lần hưởng tiếp theo và mức hưởng theo quy định của pháp luật
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư, tôi đóng bảo hiểm thất nghiệp từ tháng 6 năm 2010 và tôi chấm dứt hợp đồng lao động ở công ty từ tháng 7 năm 2014. Tôi chưa làm hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp thì đến ngày 1-7-2015 tôi đã đi làm lại và đóng lại bảo hiểm thất nghiệp từ tháng 7 năm 2015 và đến tháng 9-2016 tôi chấm dứt hợp đồng vì sức khỏe. Vậy cho tôi hỏi thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của tôi có được cộng dồn không và mức hưởng của tôi như thế nào?
Luật sư tư vấn:
Công ty TNHH Tư vấn LawKey Việt Nam cảm ơn anh/chị đã tin tưởng khi gửi câu hỏi đến LawKey. Với thắc mắc của anh/chị, luật sư LawKey tư vấn như sau:
1. Thời gian đóng trợ cấp thất nghiệp
Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 45 Luật việc làm 2013 về thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp đến khi chấm dứt hợp đồng mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Theo đó, do anh/chị chưa hưởng bảo hiểm thất nghiệp nên thời gian đóng bảo hiểm không liên tục sẽ được cộng dồn.
Như thông tin anh/chị đã cung cấp, anh/chị có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ tháng 6/2010 đến tháng 7/2014 và từ tháng 7/2015 đến tháng 9 năm 2016 và chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp. Do đó, thời gian được hưởng trợ cấp thất nghiệp là:
+ Từ tháng 6/2010 đến tháng 7/2014 = 50 tháng
+ Từ tháng 7/2015 đến tháng 9/2016 = 14 tháng
Vậy tổng hai khoảng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của anh/chị là 64 tháng.
Xem thêm: Đối tượng, mức đóng và thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp
2. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp
Căn cứ vào quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật việc làm 2013:
“1. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
2. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.”
Như vậy, với thời gian 64 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp thì anh/chị sẽ được hưởng 5 tháng trợ cấp thất nghiệp (tương đương với 60 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp), 4 tháng lẻ thì sẽ được bảo lưu cho lần hưởng tiếp theo khi đủ điều kiện. Mức hưởng hằng tháng sẽ bằng 60% bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.
Xem thêm: Mức hưởng, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp
Trên đây là nội dung giải đáp thắc mắc về việc cộng dồn thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp. Quý bạn đọc còn thắc mắc có thể gọi điện trực tiếp theo số hotline của Lawkey để được tư vấn trực tiếp!
Thủ tục đăng ký quyền chiếm hữu tàu bay
Các quyền đối với tàu bay (bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sở hữu,…) cần phải được đăng ký theo quy định. Do đó [...]
Thủ tục mua pháo hoa để kinh doanh
Thủ tục mua pháo hoa để kinh doanh được thực hiện như thế nào? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây. Pháo hoa là gì? [...]