Công việc lao động – tiền lương cho doanh nghiệp mới thành lập
Doanh nghiệp mới thành lập phải chú ý thực hiện một số công việc liên quan đến lao động – tiền lương. Dưới đây là một số công việc lao động – tiền lương cho doanh nghiệp mới thành lập.
Một là, khai trình sử dụng lao động lần đầu
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bắt đầu hoạt động, doanh nghiệp khai trình việc sử dụng lao động với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (nếu doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp) nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện theo mẫu số 05 ban hành kèm theo Thông tư 23/2014/TT-BLĐTBXH.
Số lượng người lao động khai trình không bao gồm những người đang thử việc.
Hai là, thông báo về số lao động làm việc tại doanh nghiệp
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thành lập, doanh nghiệp có trách nhiệm gửi Thông báo ban đầu về số lao động đang làm việc tại đơn vị về Trung tâm dịch vụ việc làm nơi doanh nghiệp đặt trụ sở theo mẫu số 28 ban hành kèm theo Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH.
Ba là, lập sổ quản lý lao động
Theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư 23/2014/TT-BLĐTBXH, doanh nghiệp phải lập Sổ quản lý lao động nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày bắt đầu hoạt động
Doanh nghiệp có trách nhiệm ghi chép, nhập đầy đủ thông tin về người lao động khi hợp đồng lao động có hiệu lực và cập nhật thông tin khi có sự thay đổi vào Sổ quản lý lao động.
Bốn là, xây dựng thang lương, bảng lương
Căn cứ vào tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, doanh nghiệp xây dựng và quyết định thang lương, bảng lương đối với lao động quản lý, lao động chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ và công nhân trực tiếp sản xuất, kinh doanh, phục vụ.
Việc xây dựng thang lương, bảng lương phải tuân theo nguyên tắc quy định tại Điều 7 Nghị định 49/2013/NĐ-CP và phải được thông báo đến Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội nơi đặt trụ sở.
Năm là, xây dựng thỏa ước lao động (nếu có)
Thỏa ước lao động tập thể là văn bản thoả thuận giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động về các điều kiện lao động mà hai bên đã đạt được thông qua thương lượng tập thể.
Thỏa ước lao động tập thể được ký kết giữa đại diện tập thể lao động với người sử dụng lao động hoặc đại diện người sử dụng lao động với những nội dung không được trái với quy định của pháp luật và phải có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật.
Sáu là, xây dựng nội quy lao động bằng văn bản
Người sử dụng lao động sử dụng từ 10 người lao động trở lên phải có nội quy lao động bằng văn bản.
Trước khi ban hành nội quy lao động, người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở. Nội quy lao động phải được thông báo đến người lao động và những nội dung chính phải được niêm yết ở những nơi cần thiết tại nơi làm việc.
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ban hành nội quy lao động, người sử dụng lao động phải nộp hồ sơ đăng ký nội quy lao động.
Bảy là, thành lập công đoàn cơ sở
Khi có ý nguyện thành lập Công đoàn tại doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là Công đoàn); thì trước tiên, những người lao động sẽ phải tổ chức Ban vận động thành lập Công đoàn tại doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là Ban vận động) và nên liên hệ Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở nơi gần nhất hướng dẫn, giúp đỡ, hỗ trợ việc thành lập Công đoàn.
Tám là, khai báo sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động (Nếu có)
Doanh nghiệp phải lựa chọn tổ chức hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động để kiểm định lần đầu trước khi đưa vào sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động – đối chiếu tại Danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động ban hành kèm theo Thông tư 53/2016/TT-BLĐTBXH.
Chín là, giao kết hợp đồng lao động
Hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản. Trường hợp giao kết hợp đồng lao động với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng, các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói.
Mười là, đăng ký mã số thuế thu nhập cá nhân
Doanh nghiệp thực hiện khấu trừ thuế trước khi chi trả thu nhập cho người lao động thuộc đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân nếu đến mức phải nộp thuế.
Đối với những lao động chưa được cấp mã số thuế thu nhập cá nhâ, doanh nghiệp theo ủy quyền làm thủ tục đăng ký mã số thuế cho người lao động.
Mười một, đăng ký tham gia BHXH, BHYT, BHTN lần đầu
Pháp luật quy định cụ thể những đối tượng người lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Theo đó, khi ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hơp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả người dưới 15 tuổi là đối tượng bắt buộc tham gia BHXH, BHYT, BHTN.
Và kể từ ngày 01/01/2016 khi Luật bảo hiểm xã hội 2014 có hiệu lực thi hành thì người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng đến 03 tháng thì doanh nghiệp vẫn phải đóng BHXH bắt buỗ cho người lao động.
Mười hai, nộp tiền BHXH, BHYT, BHTN hàng tháng
Sau khi đăng ký tham gia các loại bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động thì doanh nghiệp có trách nhiệm trích nộp tiền BHXH, BHYT, BHTN để đóng hàng tháng cho Cơ quan bảo hiểm.
Mười ba, đóng phí công đoàn hàng tháng
Hàng tháng, khi doanh nghiệp đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động thì đồng thời cũng phải đóng kinh phí Công đoàn không phân biệt là doanh nghiệp đã có hay chưa có tổ chức Công đoàn.
Mức đóng kinh phí Công đoàn là 2% của quỹ tiền lương làm căn cứ đóng Bảo hiểm xã hội cho người lao động. Quỹ tiền lương này là bằng tổng mức tiền lương tính đóng Bảo hiểm xã hội của những người lao động thuộc đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về “Công việc lao động – tiền lương cho doanh nghiệp mới thành lập” gửi đến bạn đọc. Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào, bạn hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ giải đáp.
Loại xe nào được quyền ưu tiên khi tham gia giao thông?
Các loại xe được quyền ưu tiên theo quy định pháp luật là gì? Khi thấy những xe đó người tham gia giao thông cần tuân thủ [...]
Thuế trực thu và thuế gián thu khác nhau như thế nào?
Thuế trực thu và thuế gián thu khác nhau như thế nào? LawKey xin phân tích sự khác biệt của 2 loại thuế này theo quy định [...]