Đại hội thành viên của quỹ tín dụng nhân dân
Đại hội thành viên là cơ quan có quyền quyết định cao nhất của quỹ tín dụng nhân dân. Vậy pháp luật có quy định như thế nào về đại hội thành viên?
Đại hội thành viên quỹ tín dụng nhân dân có thể tổ chức dưới hình thức Đại hội toàn thể thành viên hoặc Đại hội đại biểu thành viên. Đại hội toàn thể thành viên hoặc Đại hội đại biểu thành viên có nhiệm vụ và quyền hạn như nhau.
Căn cứ pháp lý:
– Luật các tổ chức tín dụng năm 2010
– Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung năm 2017
– Thông tư 04/2015/TT-NHNN
– Thông tư 21/2019/TT-NHNN
1.Thẩm quyền quyết định của đại hội thành viên
Quy định về đại hội thành viên thảo luận và quyết định những vấn đề sau đây:
a) Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trong năm, báo cáo công khai tài chính, kế toán, dự kiến phân phối lợi nhuận và xử lý các khoản lỗ nếu có; báo cáo hoạt động của Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát;
b) Phương hướng hoạt động kinh doanh năm tới;
c) Tăng, giảm vốn điều lệ; mức vốn góp của thành viên;
d) Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch và thành viên khác của Hội đồng quản trị; Trưởng ban và thành viên khác của Ban kiểm soát;
đ) Thông qua danh sách kết nạp thành viên mới và cho thành viên ra khỏi ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân theo đề nghị của Hội đồng quản trị; quyết định khai trừ thành viên;
e) Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể đối với quỹ tín dụng nhân dân;
g) Sửa đổi, bổ sung Điều lệ;
h) Những vấn đề khác do Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát hoặc có ít nhất một phần ba tổng số thành viên đề nghị.
2.Họp đại hội đồng thành viên
-Đại hội thành viên phải họp mỗi năm một lần trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày kết thúc năm tài chính, do Hội đồng quản trị triệu tập.
– Đại hội thành viên bất thường họp trong các trường hợp sau đây:
a) Hội đồng quản trị triệu tập nếu xét thấy cần thiết vì lợi ích của quỹ tín dụng nhân dân;
b) Chủ tịch Hội đồng quản trị triệu tập theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Thông tư này;
c) Trưởng Ban kiểm soát, kiểm soát viên chuyên trách triệu tập theo quy định tại khoản 6 Điều 84 Luật các tổ chức tín dụng;
d) Ít nhất một phần ba tổng số thành viên quỹ tín dụng nhân dân cùng có văn bản yêu cầu triệu tập Đại hội thành viên.
đ) Ngân hàng Nhà nước chi nhánh yêu cầu triệu tập trong trường hợp xảy ra sự kiện ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân;
e) Các trường hợp khác theo quy định tại Điều lệ quỹ tín dụng nhân dân.
3.Số lượng thành viên và biểu quyết trong Đại hội thành viên
– Quỹ tín dụng nhân dân có trên 100 thành viên có thể tổ chức Đại hội đại biểu thành viên.
– Tiêu chuẩn đại biểu và trình tự, thủ tục bầu đại biểu tham dự đại hội đại biểu thành viên do Điều lệ quỹ tín dụng nhân dân quy định. Việc bầu đại biểu thành viên tham dự Đại hội thành viên phải dựa trên nguyên tắc dân chủ, bình đẳng giữa các thành viên. Đại biểu thành viên được bầu không được ủy quyền cho người khác tham dự Đại hội.
– Số lượng đại biểu bầu tham dự đại hội đại biểu thành viên do Điều lệ quỹ tín dụng nhân dân quy định nhưng phải đảm bảo:
a) Không được ít hơn 30% tổng số thành viên đối với quỹ tín dụng nhân dân có từ trên 100 đến 300 thành viên;
b) Không được ít hơn 20% tổng số thành viên đối với quỹ tín dụng nhân dân có từ trên 300 đến 1.000 thành viên;
c) Không được ít hơn 200 đại biểu đối với quỹ tín dụng nhân dân có từ trên 1.000 thành viên.
– Đại hội thành viên được coi là hợp lệ khi có ít nhất ba phần tư tổng số thành viên hoặc đại biểu thành viên dự họp
– Trường hợp số lượng thành viên, đại biểu thành viên tham dự không đủ theo quy định Hội đồng quản trị hoặc Ban kiểm soát phải tạm hoãn Đại hội thành viên và triệu tập lại trong vòng 30 ngày kể từ ngày tạm hoãn Đại hội thành viên.
– Việc quyết định sửa đổi, bổ sung Điều lệ, chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể, phá sản quỹ tín dụng nhân dân chỉ được thông qua tại Đại hội thành viên khi có ít nhất ba phần tư tổng số thành viên hoặc đại biểu thành viên có mặt tại Đại hội thành viên biểu quyết tán thành.
– Các quyết định về những vấn đề khác chỉ được thông qua tại Đại hội thành viên khi có trên một phần hai tổng số thành viên hoặc đại biểu thành viên có mặt tại Đại hội thành viên biểu quyết tán thành.
– Mỗi thành viên hoặc đại biểu dự họp Đại hội thành viên có một phiếu biểu quyết. Phiếu biểu quyết có giá trị ngang nhau, không phụ thuộc vào số vốn góp hay chức vụ của thành viên hoặc đại biểu thành viên.
>>>Xem thêm Thành viên quỹ tín dụng nhân dân cần đáp ứng điều kiện gì?
Mức phí bảo hiểm ô tô bắt buộc năm 2024
Mức phí bảo hiểm ô tô bắt buộc năm 2024 được quy định như thế nào? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây. [...]
Thanh toán các nghĩa vụ tài sản của người chết để lại
Thanh toán các nghĩa vụ tài sản của người chết để lại là trách nhiệm của người thừa kế theo pháp luật dân sự. Vậy [...]