Đăng ký bổ sung tài sản gắn liền với đất
Tài sản gắn liền với đất của người sử dụng đất phải được đăng ký để tránh những tranh chấp có thể xảy ra. Nếu Giấy chứng nhận chưa ghi nhận tài sản gắn liền với đất và người sử dụng đất muốn đăng ký thì thực hiện thủ tục đăng ký bổ sung. Đăng ký bổ sung tài sản gắn liền với đất như thế nào? Hồ sơ đăng ký cần những gì? Thủ tục đăng ký bổ sung tài sản gắn liền với đất như thế nào? Chìa khóa pháp luật sẽ giải đáp ngay sau đây.
1. Tài sản gắn liền với đất
Căn cứ theo Điều 104 Luật Đất đai năm 2013, tài sản gắn liền với đất bao gồm những loại tài sản sau: nhà ở, công trình xây dựng khác, rừng sản xuất là rừng trồng và cây lâu năm có tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Tài sản gắn liền với đất phải đăng ký với cơ quan nhà nước. Đăng ký tài sản khác gắn liền với đất là việc kê khai và ghi nhận tình trạng pháp lý về quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và quyền quản lý đất đối với một thửa đất vào hồ sơ địa chính.
Tài sản gắn liền với đất sẽ đăng ký bổ sung.
2. Hồ sơ đăng ký bổ sung tài sản gắn liền với đất
2.1. Tài sản gắn liền với đất là nhà ở
– Đơn đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo Mẫu số 04/ĐK.
– Hợp đồng thuê đất hoặc hợp đồng góp vốn hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc văn bản chấp thuận của người sử dụng đất đồng ý cho xây dựng, tạo lập tài sản. Đồng thời phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật. Và bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp chủ sở hữu nhà ở không đồng thời là người sử dụng đất ở.
– Một trong các giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở đối với trường hợp tài sản là nhà ở. (Bản sao giấy tờ đã có công chứng hoặc chứng thực hoặc bản sao giấy tờ và xuất trình bản chính để cán bộ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra đối chiếu và xác nhận vào bản sao hoặc bản chính).
+ Trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở để kinh doanh: Phải có một trong những giấy tờ về dự án phát triển nhà ở để kinh doanh. chẳng hạn như quyết định phê duyệt dự án; hoặc quyết định đầu tư; hoặc giấy phép đầu tư; hoặc giấy chứng nhận đầu tư.
+ Trường hợp mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở hoặc được sở hữu nhà ở thông qua hình thức khác: Phải có giấy tờ về giao dịch đó theo quy định của pháp luật về nhà ở.
+ Trường hợp nhà ở đã xây dựng không phù hợp với giấy tờ: Phải có ý kiến bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng xác nhận diện tích xây dựng không đúng giấy tờ không ảnh hưởng đến an toàn công trình và nay phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (nếu có).
+ Sơ đồ nhà ở (trừ trường hợp trong giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng đã có sơ đồ phù hợp với hiện trạng nhà ở, công trình đã xây dựng).
+ Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất (nếu có).
2.2. Tài sản gắn liền với đất là công trình xây dựng
– Đơn đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo Mẫu số 04/ĐK.
– Văn bản chấp thuận của người sử dụng đất đồng ý cho xây dựng công trình đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật và bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp chủ sở hữu công trình xây dựng không đồng thời là người sử dụng đất.
– Một trong giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở đối với trường hợp chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng. (Bản sao giấy tờ đã công chứng hoặc chứng thực hoặc bản sao giấy tờ và xuất trình bản chính để cán bộ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra đối chiếu và xác nhận vào bản sao hoặc bản chính)
+ Trường hợp tạo lập công trình xây dựng thông qua đầu tư xây dựng mới theo quy định của pháp luật: Phải có quyết định phê duyệt dự án; hoặc quyết định đầu tư dự án; hoặc giấy phép đầu tư; hoặc giấy chứng nhận đầu tư; hoặc giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Và giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai hoặc hợp đồng thuê đất với người sử dụng đất có mục đích sử dụng đất phù hợp với mục đích xây dựng công trình.
+ Trường hợp tạo lập công trình xây dựng bằng một trong các hình thức mua bán, nhận tặng cho, đổi, nhận thừa kế hoặc hình thức khác: Phải có văn bản về giao dịch đó theo quy định của pháp luật.
+ Trường hợp không có một trong những giấy tờ nêu trên đây thì phải được cơ quan quản lý về xây dựng cấp tỉnh xác nhận công trình xây dựng tồn tại trước khi có quy hoạch xây dựng mà nay vẫn phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
+ Trường hợp công trình đã xây dựng không phù hợp với giấy tờ về quyền sở hữu công trình nêu trên đây thì phần diện tích công trình không phù hợp với giấy tờ phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng kiểm tra, xác nhận diện tích xây dựng không đúng giấy tờ không ảnh hưởng đến an toàn công trình và phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
2.3. Tài sản gắn liền với đất là rừng sản xuất là rừng trồng
– Đơn đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo Mẫu số 04/ĐK.
– Văn bản thỏa thuận của người sử dụng đất cho phép sử dụng đất để trồng rừng đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật và bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp chủ sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng không đồng thời là người sử dụng đất.
– Một trong giấy tờ sau đây đối với trường hợp chứng nhận quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng. (Bản sao giấy tờ đã có công chứng hoặc chứng thực; hoặc bản sao giấy tờ và xuất trình bản chính):
+ Giấy chứng nhận hoặc một trong các giấy tờ về quyền sử dụng đất, quyền sở hưu tài sản gắn liền với đất nêu tại Khoản 2 trên đây mà trong đó xác định Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất để trồng rừng sản xuất;
+ Giấy tờ về giao rừng sản xuất là rừng trồng;
+ Hợp đồng hoặc văn bản về việc mua bán hoặc tặng cho hoặc thừa kế đối với rừng sản xuất là rừng trồng. (Đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật);
+ Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân hoặc giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết được quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng đã có hiệu lực pháp luật;
+ Đối với tổ chức trong nước thực hiện dự án trồng rừng sản xuất bằng nguồn vốn không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước thì phải có quyết định phê duyệt dự án hoặc quyết định đầu tư dự án hoặc giấy chứng nhận đầu tư để trồng rừng sản xuất theo quy định của pháp luật về đầu tư;
+ Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án trồng rừng sản xuất thì phải có quyết định phê duyệt dự án hoặc quyết định đầu tư dự án hoặc giấy phép đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư để trồng rừng sản xuất theo quy định của pháp luật về đầu tư;
2.4. Tài sản gắn liền với đất là cây lâu năm
– Đơn đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo Mẫu số 04/ĐK;
– Văn bản thỏa thuận của người sử dụng đất cho phép sử dụng đất để trồng cây lâu năm đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật và bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp chủ sở hữu cây lâu năm không đồng thời là người sử dụng đất.
– Một trong giấy tờ sau đây đối với trường hợp chứng nhận quyền sở hữu cây lâu năm. (Bản sao giấy tờ đã có công chứng hoặc chứng thực; hoặc bản sao giấy tờ và xuất trình bản chính):
+ Giấy chứng nhận hoặc một trong các giấy tờ về quyền sử dụng đất nêu tại Khoản 2 trên đây mà trong đó xác định Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất để trồng cây lâu năm phù hợp với mục đích sử dụng đất ghi trên giấy tờ đó;
+ Hợp đồng hoặc văn bản về việc mua bán hoặc tặng cho hoặc thừa kế đối với cây lâu năm đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định;
+ Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân hoặc giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết được quyền sở hữu cây lâu năm đã có hiệu lực pháp luật;
+ Đối với tổ chức trong nước thì phải có quyết định phê duyệt dự án hoặc quyết định đầu tư dự án hoặc giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy phép đầu tư để trồng cây lâu năm theo quy định của pháp luật về đầu tư.
3. Thủ tục đăng ký bổ sung tài sản gắn liền với đất
Bước 1: Nộp hồ sơ
Người sử dụng đất nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường; hoặc cơ quan tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Trường hợp nhận hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong thời gian tối đa 03 ngày, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ
Cơ quan tiếp nhận hồ sơ ghi đầy đủ thông tin vào Sổ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả. Trao Phiếu tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả cho người nộp hồ sơ.
Cơ quan tiếp nhận hồ sơ chuyển hồ sơ đến Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất.
Bước 3: Kiểm tra xác nhận hồ sơ, lấy ý kiến của cơ quan liên quan
Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thực hiện các công việc như sau:
+ Kiểm tra, xác nhận sơ đồ tài sản gắn liền với đất đối với tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư mà sơ đồ đó chưa có xác nhận của tổ chức có tư cách pháp nhân về hoạt động xây dựng hoặc hoạt động đo đạc bản đồ;
+ Gửi phiếu lấy ý kiến cơ quan quản lý nhà nước đối với loại tài sản đăng ký đối với trường hợp chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất không có giấy tờ hoặc hiện trạng tài sản có thay đổi so với giấy tờ theo quy định. Cơ quan quản lý nhà nước đối với tài sản gắn liền với đất có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc.
Bước 4: Cập nhật thông tin vào hồ sơ địa chính
Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thực hiện các công việc như sau:
– Cập nhật thông tin vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai (nếu có);
– Gửi số liệu địa chính đến cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính (trừ trường hợp không thuộc đối tượng phải nộp nghĩa vụ tài chính hoặc được ghi nợ theo quy định của pháp luật). Chuẩn bị hồ sơ để cơ quan tài nguyên và môi trường trình ký cấp Giấy chứng nhận.
Bước 5: Cơ quan tài nguyên và môi trường thực hiện các công việc sau:
– Kiểm tra hồ sơ và trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận;
– Chuyển hồ sơ đã giải quyết cho Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất.
Bước 6: Cập nhật bổ sung Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cập nhật bổ sung việc cấp Giấy chứng nhận vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai và trao Giấy chứng nhận cho người được cấp cho người được cấp đã nộp chứng từ hoàn thành nghĩa vụ tài chính.
Bước 7: Nhận kết quả
Theo lịch ghi trên giấy biên nhận, người nộp hồ sơ đến nhận kết quả.
Người được cấp Giấy chứng nhận nộp lại bản chính giấy tờ theo quy định trước khi nhận Giấy chứng nhận.
*** Căn cứ pháp lý ***
Luật Đất đai năm 2013
Trên đây là những thông tin cơ bản về đăng ký bổ sung tài sản gắn liền với đất. Nếu quý khách hàng có gì thắc mắc, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp.
Đất CLN là gì?
Đất CLN là gì? Hạn mức giao đất CLN là bao nhiêu? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây. Đất CLN là gì? Theo mục [...]
Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất lần đầu
Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất lần đầu như [...]