Đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng tại Việt Nam của doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo pháp luật nước ngoài
Nhiều doanh nghiệp hoạt động theo pháp luật nước ngoài nên còn gặp nhiều khó khăn trong việc chào bán trái phiếu tại Việt Nam. Lawkey sẽ hướng dẫn doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo pháp luật nước ngoài đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng ở Việt Nam.
1. Điều kiện để doanh nghiệp được chào bán trái phiếu ra công chúng tại Việt Nam
- Hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi theo các chuẩn mực kế toán quốc tế trong năm liền kề năm đăng ký chào bán.
- Có dự án đầu tư vào Việt Nam được cấp có thẩm quyền tại Việt Nam phê duyệt; có phương án phát hành và sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng để đầu tư vào dự án tại Việt Nam.
- Tổng số tiền huy động từ đợt chào bán tại Việt Nam không vượt quá 30% tổng vốn đầu tư của dự án.
- Có cam kết bảo lãnh phát hành theo hình thức cam kết chắc chắn với tối thiểu một công ty chứng khoán được phép hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán tại Việt Nam.
- Có ngân hàng giám sát sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán.
- Tổ chức phát hành nước ngoài phải cam kết không chuyển vốn huy động được ra nước ngoài; không rút vốn tự có đối ứng trong thời hạn dự án được cấp phép; thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của tổ chức phát hành theo quy định của pháp luật Việt Nam; tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối đối với việc phát hành chứng khoán tại Việt Nam.
- Có cam kết của Đại hội đồng cổ đông đối với trường hợp chào bán cổ phiếu và trái phiếu chuyển đổi, cam kết của hội đồng quản trị hoặc hội đồng thành viên đối với trường hợp chào bán trái phiếu về việc đưa chứng khoán vào giao dịch trên thị trường tập trung trong thời hạn 01 năm từ ngày kết thúc đợt chào bán.
2. Trình tự, thủ tục đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng tại Việt Nam
Bước 1: Tổ chức phát hành gửi hồ sơ đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng tại Việt Nam đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). Nộp trực tiếp tại trụ sở UBCKNN; hoặc gửi qua đường bưu điện.
Bước 2: UBCKNN (Bộ phận một cửa) tiếp nhận và kiểm tra danh mục hồ sơ. Trường hợp danh mục chưa đầy đủ UBCKNN hướng dẫn tổ chức phát hành bổ sung hồ sơ theo quy định.
Bước 3: UBCKNN thẩm định tính đầy đủ, hợp lệ của nội dung hồ sơ đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng. Trường hợp nội dung hồ sơ chưa đầy đủ và hợp lệ, UBCKNN có ý kiến bằng văn bản yêu cầu tổ chức phát hành bổ sung, sửa đổi hồ sơ.
Bước 4: Tổ chức phát hành hoàn chỉnh hồ sơ đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng theo yêu cầu, gửi UBCKNN.
*Lưu ý: Sau thời hạn 60 ngày kể từ ngày có công văn yêu cầu, tổ chức phát hành không thực hiện bổ sung, sửa đổi hồ sơ, UBCKNN sẽ dừng việc xem xét hồ sơ đăng ký chào bán.
Bước 5: Tổ chức phát hành gửi UBCKNN 06 bản cáo bạch chính thức để hoàn thành thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng.
*Lưu ý: Thời hạn gửi 06 bản cáo bạch: 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo từ UBCKNN.
Bước 6: UBCKNN cấp Giấy chứng nhận đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng cho tổ chức phát hành, thu tiền lệ phí cấp Giấy chứng nhận. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, UBCKNN gửi tổ chức phát hành công văn từ chối và nêu rõ lý do.
3. Thành phần hồ sơ
Theo quy định của Thông tư 162/2015/TT-BTC, hồ sơ bao gồm:
1. Giấy đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng;
2. Bản cáo bạch chào bán trái phiếu ra công chúng, trong đó chữ ký của Chủ tịch Hội đồng quản trị được thay bằng chữ ký của Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch Công ty đối với trường hợp tổ chức phát hành là công ty trách nhiệm hữu hạn;
3. Điều lệ công ty có nội dung không trái với các quy định của pháp luật;
4. Quyết định của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên hoặc Chủ sở hữu công ty thông qua hồ sơ chào bán trái phiếu ra công chúng. Đối với việc chào bán trái phiếu ra công chúng của tổ chức phát hành thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện mà pháp luật chuyên ngành quy định phải có chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về việc phát hành thì hồ sơ phải có văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
5. Trường hợp một phần hoặc toàn bộ hồ sơ đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng được tổ chức, cá nhân có liên quan xác nhận thì tổ chức phát hành phải gửi văn bản xác nhận của tổ chức, cá nhân đó cho UBCKNN;
6. Trường hợp sử dụng vốn cho mục đích đầu tư, kinh doanh, phát triển dự án bất động sản, hồ sơ phải có tài liệu pháp lý về quyền sử dụng đất (công nhận quyền sử dụng đất hoặc quyết định giao đất hoặc quyết định cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền), giấy chứng nhận đầu tư, các thông tin liên quan đến việc đền bù, giải phóng mặt bằng, quyết định phê duyệt phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán và kế hoạch chi tiết về việc sử dụng vốn. Trường hợp sử dụng vốn cho mục đích đầu tư dự án khai thác khoáng sản, xây dựng cơ sở hạ tầng, hồ sơ phải có quyết định chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt dự án;
7. Tài liệu báo cáo tình hình sử dụng vốn thu được của đợt chào bán gần nhất được xác nhận bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán;
8. Văn bản xác nhận của ngân hàng về việc mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua trái phiếu của đợt chào bán. Tài khoản phong tỏa không được trùng với tài khoản thanh toán của tổ chức phát hành. Trường hợp tổ chức phát hành là một ngân hàng thương mại thì phải lựa chọn một ngân hàng thương mại khác để mở tài khoản phong tỏa;
9. Cam kết thực hiện nghĩa vụ của tổ chức phát hành đối với nhà đầu tư về điều kiện phát hành, thanh toán, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và các điều kiện khác;
10. Tài liệu dự án đầu tư tại Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
11. Quyết định của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên hoặc Chủ sở hữu công ty thông qua phương án phát hành, phương án sử dụng và trả nợ vốn thu được từ đợt chào bán trái phiếu ra công chúng;
12. Báo cáo tài chính của tổ chức phát hành phải được lập theo chuẩn mực kế toán quốc tế và phải được kiểm toán bởi một tổ chức kiểm toán được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại nước sở tại chấp thuận;
13. Cam kết của tổ chức phát hành thực hiện dự án tại Việt Nam và cam kết không chuyển vốn huy động được ra nước ngoài, không rút vốn tự có đối ứng trong thời hạn của dự án được cấp phép;
14. Cam kết của tổ chức phát hành thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo quy định về quản lý ngoại hối đối với việc phát hành trái phiếu tại Việt Nam và các quy định khác của pháp luật Việt Nam;
15. Cam kết bảo lãnh phát hành theo hình thức cam kết chắc chắn với công ty chứng khoán thành lập và hoạt động tại Việt Nam. Trường hợp có tổ hợp bảo lãnh phát hành, thì cam kết bảo lãnh phát hành của tổ chức bảo lãnh phát hành chính phải kèm theo hợp đồng giữa các tổ chức bảo lãnh phát hành. Các tài liệu về cam kết bảo lãnh phát hành có thể được gửi sau các tài liệu khác, nhưng chậm nhất phải trước ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán;
16. Văn bản chỉ định Ngân hàng giám sát việc sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán.
4. Phí và lệ phí
Quy định tại Thông tư số 67/2014/TT-BTC ngày 21/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính:
Căn cứ giá trị chứng khoán đăng ký chào bán:
- Dưới 50 tỷ: 10 triệu đồng/ Giấy chứng nhận
- Từ 50 tỷ đến dưới 150 tỷ: 20 triệu đồng/ Giấy chứng nhận
- Từ 150 tỷ đến dưới 250 tỷ: 35 triệu đồng/ Giấy chứng nhận
- Từ 250 tỷ trở lên: 50 triệu đồng/ Giấy chứng nhận
Chuyển nhượng hợp đồng kinh doanh bất động sản
Chuyển nhượng hợp đồng kinh doanh bất động sản theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 như thế nào? [...]
Các nguyên tắc quản lý nhà nước về ngoại thương
Các nguyên tắc quản lý nhà nước về ngoại thương Luật quản lý ngoại thương năm 2017chính thức có hiệu lực từ ngày [...]