Có nên tối giản hóa Đăng ký ngành nghề kinh doanh
Qua hơn hai năm thực thi Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Đầu tư 2014, danh mục ngành nghề cấm kinh doanh hay kinh doanh có điều kiện vẫn còn khá nhiều điểm chưa tương thích các nguyên tắc cam kết tại các hiệp định như FTA. Ngay từ khâu đăng ký kinh doanh, nhà đầu tư có thể vấp phải rào cản thủ tục mã hóa ngành nghề dựa vào Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam.
Hiện quy định hệ thống mã số ngành căn cứ theo Quyết định 10/2007/QĐ-TTg ngày 23-1-2007 của Thủ tướng Chính phủ và Biểu cam kết thương mại dịch vụ của Việt Nam trong Tổ chức Thương mại Thế giới (“Cam kết WTO”). Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp tại khoản 5 điều điều 7 quy định đối với những ngành, nghề kinh doanh không có trong hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam, cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét ghi nhận ngành, nghề kinh doanh này vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nếu không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.
Tuy vậy, không ít nhà đầu tư gặp khó khăn nếu chọn kinh doanh những ngành nghề không thuộc danh mục ban hành. Yêu cầu “mã hóa” ngành nghề kinh doanh tương thích với hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam là một cản trở đối với doanh nghiệp khi mở rộng đầu tư theo nhu cầu của mình. Mặt khác, Luật Doanh nghiệp đã ghi nhận quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm, việc quy định tương tự như yêu cầu đăng ký ngành nghề tương thích với quy định Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam (áp dụng từ năm 2007) có lẽ không còn tương thích.
Có thể kể đến một số nước có nền kinh tế phát triển như Malaysia, Singapore, thủ tục đăng ký kinh doanh được tối giản, thực hiện qua các kênh trực tuyến. Giấy chứng nhận thành lập do Cơ quan Đăng ký doanh nghiệp của Singapore (Certificate of Incorporation) cấp chỉ nhằm ghi nhận việc thành lập công ty với dung lượng thông tin trong phạm vi một trang giấy A4 mà không phải liệt kê áp mã ngành nghề. Nhiều quốc gia thành viên TPP như Úc hay New Zealand từ lâu cũng đơn giản hóa thủ tục cấp phép. Họ không yêu cầu phải ghi thông tin mục đích và phạm vi hoạt động kinh doanh, bao gồm cả thông tin về người đại diện và vốn đầu tư trên giấy chứng nhận thành lập. Việc này giúp doanh nghiệp có thể tự do rút gọn hoặc mở rộng ngành nghề kinh doanh, không phụ thuộc vào thủ tục sửa đổi giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp như cách áp dụng hiện tại của ta.
Do đó, trước yêu cầu Việt Nam phải trở thành một trong ba nền kinh tế hàng đầu ASEAN và việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thì việc cải cách sửa đổi luật để tương thích là điều cần thiết và phải tạo được bước đột phá. Có như thế thì Việt Nam mới không bỏ lỡ cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp và phá bỏ rào cản để khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư phát triển vào Việt Nam.
Thẩm quyền triệu tập cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường
Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường là gì ? Thẩm quyền triệu tập cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất [...]
Thủ tục chấm dứt hoạt động Văn phòng đại diện công ty cổ phần
Thủ tục chấm dứt hoạt động Văn phòng đại diện công ty cổ phần Theo quy định tại Điều 206 Luật doanh nghiệp 2014, [...]