Đặt tiền bảo lãnh phương tiện giao thông bị tạm giữ
Phương tiện giao thông vi phạm hành chính có thể bị tạm giữ theo quy định. Khi bị tạm giữ, chủ phương tiên có thể đặt tiền bảo lãnh. Việc đặt tiền bảo lãnh phương tiện giao thông bị tạm giữ được thực hiện như sau:
Bước 1: Gửi đơn đề nghị
Tổ chức, cá nhân vi phạm phải làm đơn gửi cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ đề nghị đặt tiền bảo lãnh phương tiện để được giữ, bảo quản phương tiện theo hướng dẫn tại Khoản 6 Điều 1 Nghị định 31/2020/NĐ-CP.
Đơn đề nghị đặt tiền bảo lãnh phải ghi rõ các nội dung sau đây:
– Họ tên, địa chỉ, nghề nghiệp của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm;
– Hành vi vi phạm hành chính;
– Tên, số lượng, đặc điểm, chủng loại, số hiệu, nhãn hiệu, ký hiệu, xuất xứ, năm sản xuất, số máy, số khung, dung tích (nếu có), tình trạng của phương tiện;
– Nơi đề nghị được giữ, bảo quản phương tiện sau khi được cơ quan có thẩm quyền giao giữ, bảo quản phương tiện.
Bước 2: Xem xét, xử lý đơn
Trong thời hạn không quá 02 ngày, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị, cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ phải xem xét, quyết định việc giao phương tiện cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản.
Đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần phải có thêm thời gian để xác minh thì trong thời hạn không quá 03 ngày, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị, cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ phải xem xét, quyết định việc giao phương tiện cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản.
Trường hợp không giao phương tiện cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.
Bước 3: Nộp tiền đặt bảo lãnh
Sau khi người có thẩm quyền tạm giữ ra quyết định cho đặt tiền bảo lãnh, tổ chức, cá nhân có thể nộp tiền đặt bảo lãnh trực tiếp hoặc qua tài khoản cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ phương tiện.
Mức tiền đặt bảo lãnh ít nhất bằng mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt quy định cho một hành vi vi phạm; trường hợp thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính trong cùng một vụ vi phạm thì mức tiền đặt bảo lãnh ít nhất phải bằng tổng mức tiền phạt tối đa của các hành vi vi phạm.
Bước 4: Lập biên bản về việc đặt tiền bảo lãnh
Việc đặt tiền bảo lãnh phải được lập thành biên bản.
Trong biên bản phải ghi rõ ngày, tháng, năm đặt tiền bảo lãnh; họ, tên, chức vụ của người quyết định cho đặt tiền bảo lãnh; tên tổ chức, cá nhân đặt tiền bảo lãnh; lý do đặt tiền bảo lãnh; mức tiền đặt bảo lãnh; thời hạn đặt tiền bảo lãnh; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đặt tiền bảo lãnh.
Biên bản phải có chữ ký của người có thẩm quyền quyết định cho đặt tiền bảo lãnh và tổ chức, cá nhân đặt tiền bảo lãnh. Biên bản được lập thành hai (02) bản, mỗi bên giữ một bản.
Bước 5: Giao phương tiện cho tổ chức, cá nhân bảo quản
Phương tiện được giao cho tổ chức, cá nhân vi phạm để bảo quản.
Trong thời gian đặt tiền bảo lãnh, tổ chức, cá nhân không được phép sử dụng phương tiện vi phạm đó tham gia giao thông, không được tự ý thay đổi nơi giữ, bảo quản phương tiện vi phạm nếu không có sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền tạm giữ.
Nếu tổ chức, cá nhân vi phạm quy định này thì người có thẩm quyền tạm giữ phương tiện xem xét, quyết định việc chuyển phương tiện vi phạm đó về nơi tạm giữ.
Xem thêm: Tạm giữ tang vật và phương tiện vi phạm hành chính
Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về “Đặt tiền bảo lãnh phương tiện giao thông bị tạm giữ” gửi đến bạn đọc. Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào, bạn hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn.
Quyết định 595/QĐ-BHXH ban hành ngày 14 tháng 4 năm 2017
Quyết định 595/QĐ-BHXH ban hành quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn [...]
Nghị định 52/2013/NĐ-CP quy định về thương mại điện tử
Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử. CHÍNH PHỦ ——- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập [...]