Quy định của pháp luật về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài
Đầu tư gián tiếp ra nước ngoài là gì? Phương thức, hình thức, công cụ đầu tư gián tiếp ra nước ngoài? Dưới đây là một số quy định của pháp luật về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.
Khái niệm về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài
Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 135/2015/NĐ-CP, đầu tư gián tiếp ra nước ngoài là hoạt động đầu tư ra nước ngoài dưới hình thức mua, bán chứng khoán, các giấy tờ có giá khác hoặc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài.
Trong đó:
– Chứng khoán là bằng chứng xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với tài sản hoặc phần vốn của tổ chức phát hành. Chứng khoán được thể hiện dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử, bao gồm các loại sau đây:
- Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ;
- Quyền mua cổ phần, chứng quyền, quyền chọn mua, quyền chọn bán, hợp đồng tương lai, nhóm chứng khoán hoặc chỉ số chứng khoán;
- Hợp đồng góp vốn đầu tư;
- Các loại chứng khoán khác do Bộ Tài chính quy định.
– Quỹ đầu tư chứng khoán là quỹ hình thành từ vốn góp của nhà đầu tư với mục đích kiếm lợi nhuận từ việc đầu tư vào chứng khoán hoặc các dạng tài sản đầu tư khác, kể cả bất động sản, trong đó nhà đầu tư không có quyền kiểm soát hàng ngày đối với việc ra quyết định đầu tư của quỹ.
Phương thức đầu tư gián tiếp ra nước ngoài
Việc đầu tư gián tiếp ra nước ngoài của cá nhân hay tổ chức kinh tế được quy định cụ thể như sau:
Đối với nhà đầu tư là cá nhân
Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 135/2015/NĐ-CP, nhà đầu tư là cá nhân có quốc tịch Việt Nam chỉ được thực hiện đầu tư gián tiếp ra nước ngoài dưới hình thức tham gia chương trình thưởng cổ phiếu phát hành ở nước ngoài.
Xem thêm: Thực hiện chương trình thưởng cổ phiếu phát hành ở nước ngoài
Đối với nhà đầu tư là tổ chức kinh tế
Hoạt động đầu tư gián tiếp ra nước ngoài của tổ chức kinh tế được thực hiện theo các phương thức quy định tại Điều 6 Nghị định 135/2015/NĐ-CP:
Tự doanh đầu tư gián tiếp ra nước ngoài
Tự doanh đầu tư gián tiếp ra nước ngoài là việc tổ chức được phép tự doanh thực hiện mua, bán chứng khoán và giấy tờ có giá khác ở nước ngoài hoặc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài cho chính mình.
Ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài
Ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài là việc tổ chức kinh tế (sau đây gọi là tổ chức ủy thác) giao vốn bằng ngoại tệ cho tổ chức được phép nhận ủy thác đầu tư ở trong nước (sau đây gọi là tổ chức nhận ủy thác) thực hiện đầu tư gián tiếp ra nước ngoài thông qua hợp đồng ủy thác đầu tư.
Hình thức đầu tư gián tiếp ở nước ngoài
Tổ chức tự doanh, tổ chức nhận ủy thác được đầu tư gián tiếp ở nước ngoài theo các hình thức sau:
– Trực tiếp mua, bán chứng khoán, các giấy tờ có giá khác ở nước ngoài.
– Đầu tư thông qua việc mua, bán chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán ở nước ngoài, ủy thác đầu tư cho các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài.
Công cụ đầu tư
Công cụ đầu tư là loại chứng khoán, giấy tờ có giá khác được phép đầu tư ở nước ngoài theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Tổ chức tự doanh, tổ chức nhận ủy thác được đầu tư gián tiếp ra nước ngoài vào các công cụ đầu tư quy định tại Điều 4 Thông tư 10/2016/TT-NHNN, bao gồm:
– Cổ phiếu được niêm yết trên thị trường chứng khoán ở nước ngoài;
– Chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán;
– Trái phiếu, tín phiếu, kỳ phiếu của Chính phủ và của các tổ chức phát hành được xếp hạng tín nhiệm bởi các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế: Standard & Poor’s, Moody’s Investors Service và Fitch Ratings.
Lưu ý: Hoạt động mua, bán chứng chỉ tiền gửi của tổ chức tự doanh là ngân hàng thương mại và công ty tài chính tổng hợp thực hiện theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước).
Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về “Quy định của pháp luật về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài” gửi đến bạn đọc. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, bạn hãy liên hệ với chúng tôi để được giải đáp.
Cố ý gây thương tích có bị khởi tố nếu không có yêu cầu bị hại?
Cố ý gây thương tích là tội phạm khá phổ biến và thường xuyên xảy ra. Vậy cố ý gây thương tích có bị khởi tố nếu [...]
Án lệ số 08/2016/AL về xác định lãi suất, việc điều chỉnh lãi suất
Án lệ số 08/2016/AL về xác định lãi suất, việc điều chỉnh lãi suất trong hợp đồng tín dụng kể từ ngày tiếp theo [...]