Điều kiện chung về bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh
Ngày nay, với sự nâng cao mức sống của con người thì nhu cầu về ăn uống cũng được chú trọng. Nắm bắt được điều đó, đã có không ít những cơ sở kinh doanh liên quan đến ngành thực phẩm được thành lập. Tuy nhiên, để đảm bảo về chất lượng của sản phẩm đến với tay người tiêu dùng thì pháp luật đã và đang có những quy định về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các cơ sở này. Lawkey sẽ tư vấn cho quý bạn đọc hiểu hơn về Điều kiện chung về bảo đảm an toàn thực phẩm này:
1. Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm
– Có địa điểm, diện tích thích hợp, có khoảng cách an toàn đối với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm và các yếu tố gây hại khác;
– Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
– Có đủ trang thiết bị phù hợp để xử lý nguyên liệu, chế biến, đóng gói, bảo quản và vận chuyển các loại thực phẩm khác nhau; có đủ trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện rửa và khử trùng, nước sát trùng, thiết bị phòng, chống côn trùng và động vật gây hại;
– Có hệ thống xử lý chất thải và được vận hành thường xuyên theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
– Duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và lưu giữ hồ sơ về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu thực phẩm và các tài liệu khác về toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
– Tuân thủ quy định về sức khoẻ, kiến thức và thực hành của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
2. Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong bảo quản thực phẩm
Trong việc bảo quản thực phẩm, các cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng cần phải lưu ý một số điều như sau:
– Nơi bảo quản và phương tiện bảo quản phải có diện tích đủ rộng để bảo quản từng loại thực phẩm riêng biệt, có thể thực hiện kỹ thuật xếp dỡ an toàn và chính xác, bảo đảm vệ sinh trong quá trình bảo quản;
– Ngăn ngừa được ảnh hưởng của nhiệt độ, độ ẩm, côn trùng, động vật, bụi bẩn, mùi lạ và các tác động xấu của môi trường; bảo đảm đủ ánh sáng; có thiết bị chuyên dụng điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm và các điều kiện khí hậu khác, thiết bị thông gió và các điều kiện bảo quản đặc biệt khác theo yêu cầu của từng loại thực phẩm;
– Tuân thủ các quy định về bảo quản của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
3. Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong vận chuyển thực phẩm
Các cơ sở trong khi vận chuyển thực phẩm phải bảo đảm một số điều kiện sau:
– Phương tiện vận chuyển thực phẩm được chế tạo bằng vật liệu không làm ô nhiễm thực phẩm hoặc bao gói thực phẩm, dễ làm sạch;
– Bảo đảm điều kiện bảo quản thực phẩm trong suốt quá trình vận chuyển theo hướng dẫn của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh;
– Không vận chuyển thực phẩm cùng hàng hoá độc hại hoặc có thể gây nhiễm chéo ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm.
4. Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ
Hiện nay, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ không cần phải thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, các cơ sở này vẫn bắt buộc phải tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm sau đây:
– Có khoảng cách an toàn đối với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm;
– Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
– Có trang thiết bị phù hợp để sản xuất, kinh doanh thực phẩm không gây độc hại, gây ô nhiễm cho thực phẩm;
– Sử dụng nguyên liệu, hóa chất, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm trong sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm;
– Tuân thủ quy định về sức khỏe, kiến thức và thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
– Thu gom, xử lý chất thải theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
– Duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và lưu giữ thông tin liên quan đến việc mua bán bảo đảm truy xuất được nguồn gốc thực phẩm.
Trên đây là nội dung tư vấn của Lawkey, nếu có gì thắc mắc, quý khách hàng có thể liên hệ với Lawkey để được giải đáp!
Xem thêm: Thủ tục xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm
Thông báo mẫu dấu chi nhánh trong Công ty cổ phần
Thông báo mẫu dấu chi nhánh trong Công ty cổ phần Theo quy định tại Điều 34 Nghị định 78/2015/NĐ-CP, Điều 13 Nghị định [...]
Thành lập Công ty cổ phần như thế nào ? Lưu ý khi thành lập công ty cổ phần
Thành lập Công ty cổ phần như thế nào ? Lưu ý khi thành lập công ty cổ phần theo quy định pháp luật. Công ty cổ phần là gì? [...]