Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
LawKey sẽ gửi tới bạn đọc nội dung bài viết điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định pháp luật hiện hành.
Chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Theo Điều 142, 143 Bộ luật lao động 2012, khái niệm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được định nghĩa như sau:
– Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.
– Bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với người lao động. Danh mục các loại bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành sau khi lấy ý kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và tổ chức đại diện người sử dụng lao động.
Người bị tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp sẽ được hưởng các chế độ về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định pháp luật khi đáp ứng đầu đủ những điều kiện nhất định.
Điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp
Theo Điều 46 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015, Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
– Bị bệnh nghề nghiệp thuộc Danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.
– Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị bệnh thuộc Danh mục bệnh nghề nghiệp.
Người lao động khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp thuộc Danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành mà phát hiện bị bệnh nghề nghiệp trong thời gian quy định thì được giám định để xem xét, giải quyết chế độ theo quy định của Chính phủ.
Xem thêm: Mức hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp đối với người lao động
Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động
Theo Điều 45 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015, Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:
– Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;
+ Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;
+ Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;
– Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định nêu trên;
– Người lao động không được hưởng chế độ do Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả nếu thuộc một trong các nguyên nhân: Do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động; Do người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân; Do sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật.
Giám định mức suy giảm khả năng lao động
Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định hoặc giám định lại mức suy giảm khả năng lao động khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Sau khi bị thương tật, bệnh tật lần đầu đã được điều trị ổn định còn di chứng ảnh hưởng tới sức khỏe;
– Sau khi thương tật, bệnh tật tái phát đã được điều trị ổn định;
– Đối với trường hợp thương tật hoặc bệnh nghề nghiệp không có khả năng điều trị ổn định theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế thì người lao động được làm thủ tục giám định trước hoặc ngay trong quy trình điều trị.
Người lao động được giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Vừa bị tai nạn lao động vừa bị bệnh nghề nghiệp;
– Bị tai nạn lao động nhiều lần;
– Bị nhiều bệnh nghề nghiệp.
Người lao động sau khi thương tật, bệnh tật tái phát đã được điều trị ổn định được giám định lại tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau 24 tháng, kể từ ngày người lao động được Hội đồng giám định y khoa kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động liền kề trước đó; trường hợp do tính chất của bệnh nghề nghiệp khiến người lao động suy giảm sức khỏe nhanh thì thời gian giám định được thực hiện sớm hơn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Trên đây là nội dung bài viết Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp LawKey gửi đến bạn đọc, nếu có thắc mắc liên hệ LawKey để được giải đáp.
Báo cáo nhân sự 6 tháng đầu năm 2023
Pháp luật quy định về việc thực hiện báo cáo nhân sự 6 tháng đầu năm 2023 (báo cáo tình hình sử dụng lao đồng 6 tháng [...]
Doanh nghiệp nợ BHXH thì NLĐ có được hưởng chế độ thai sản?
Trong trường hợp doanh nghiệp nợ BHXH thì NLĐ có được hưởng chế độ thai sản không? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết [...]