Căn cứ tiến hành điều tra áp dụng biện pháp tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài
Căn cứ tiến hành điều tra áp dụng biện pháp tự vệ được quy định tại Điều 93 Luật quản lý ngoại thương năm 2017 và được hướng dẫn tại Điều 46 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại. Bài viết sau đây sẽ giúp quý bạn đọc hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật Việt Nam về căn cứ tiền hành điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với nhập khẩu hàng hóa nước ngoài.
Cơ sở để tiến hành điều tra áp dụng biện pháp tự vệ nhập khẩu hàng hóa
Tự vệ là một trong ba biện pháp phòng vệ thương mại (hai biện pháp khác là chống bán phá giá và chống trợ cấp) được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép sử dụng để bảo vệ sản xuất trong nước khi có sự gia tăng của hàng nhập khẩu và sự gia tăng đó đã và đang gây ra (hoặc có thể gây ra) thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước. Pháp luật Việt Nam cũng ghi nhận tự vệ là một biện pháp trong các biện pháp phòng vệ thương mại.
Xem thêm: Các biện pháp tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, cơ quan có thẩm quyền chỉ có thể tiến hành điều tra áp dụng biện pháp tự vệ khi có hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ của tổ chức, cá nhân trong nước sản xuất hàng hóa tương tự hoặc hàng hóa cạnh tranh trực tiếp là hàng hóa có khả năng được người mua chấp nhận thay thế cho hàng hóa thuộc phạm vi áp dụng các biện pháp tự vệ do ưu thế về giá và mục đích sử dụng.
Điều này đã được quy định tại khoản 1 Điều 93 Luật quản lý ngoại thương. Hiện nay, vấn đề này được Điều 46 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP hướng dẫn cụ thể như sau: “Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định điều tra khi có Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ của tổ chức, cá nhân đại diện cho ngành sản xuất trong nước với điều kiện tổng khối lượng, số lượng hàng hóa tương tự, hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất bởi các nhà sản xuất trong nước nộp hồ sơ và các nhà sản xuất trong nước ủng hộ việc yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ chiếm ít nhất 25% tổng khối lượng, số lượng hàng hóa tương tự, hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước”.
Như vậy, cơ sở để tiến hành điều tra đó là khi cơ quan có thẩm quyền nhận được hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ. Cần lưu ý rằng:
– Chỉ những cá nhân, tổ chức đại diện cho ngành sản xuất trong nước với điều kiện tổng khối lượng, số lượng hàng hóa tương tự, hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất bởi các nhà sản xuất trong nước nộp hồ sơ và các nhà sản xuất trong nước ủng hộ việc yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ chiếm ít nhất 25% tổng khối lượng, số lượng hàng hóa tương tự, hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước mới là những chủ thể có thẩm quyền nộp hồ sơ.
– Hồ sơ phải cung cấp bằng chứng rõ ràng về việc hàng hóa được nhập khẩu quá mức vào Việt Nam gây ra thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng của ngành sản xuất trong nước. Nội dung, thành phần hồ sơ được hướng dẫn tại Điều 47 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP.
Chủ thể có thẩm quyền quyết định tiến hành điều tra áp dụng biện pháp tự vệ
Theo quy định của pháp luật, Bộ trưởng Bộ Công Thương có trách nhiệm quyết định điều tra khi có bằng chứng rõ ràng về việc hàng hóa được nhập khẩu quá mức vào Việt Nam gây ra thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng của ngành sản xuất trong nước.
Quyết định điều tra của Bộ trưởng bộ công thương phải bao gồm các nội dung chính sau đây:
– Mô tả chi tiết hàng hóa nhập khẩu bị điều tra, mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam và mức thuế nhập khẩu có hiệu lực áp dụng theo biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu tại từng thời kỳ;
– Tên của các doanh nghiệp và đại diện của các tổ chức, cá nhân trong nước sản xuất hàng hóa tương tự, hàng hóa cạnh tranh trực tiếp yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ;
– Tóm tắt các thông tin về sự gia tăng nhập khẩu hàng hóa bị điều tra;
– Thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa thiệt hại nghiêm trọng của ngành sản xuất trong nước do sự gia tăng nhập khẩu.
Trên đây là những quy định của pháp luật Việt Nam về căn cứ tiến hành điều tra áp dụng biện pháp tự vệ. Lawkey gửi đến bạn đọc!
Dịch vụ xin giấy phép phòng cháy chữa cháy nhanh chóng
Với nhiều năm kinh nghiệm thực hiện thủ tục xin giấy phép phòng cháy chữa cháy, LawKey cam kết cung cấp cho khách hàng dịch [...]
Niêm yết chứng khoán của tổ chức phát hành chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam
Hiện nay tại các sàn giao dịch chứng khoán trong nước có nhiều chứng khoán của tổ chức phát hành chứng khoán nước ngoài. [...]