Cách xử lý khi doanh nghiệp không đóng bảo hiểm cho người lao động
Cách xử lý khi doanh nghiệp không đóng bảo hiểm cho người lao động
Tóm tắt câu hỏi:
Chào Luật sư!
Xin hỏi: Tôi làm việc tại Công ty thương mại của Việt Nam từ tháng 05/2017 đến tháng 05/2018 theo hợp đồng lao động có thời hạn 01 năm. Tuy nhiên, đã hết thời thạn theo hợp đồng nhưng Công ty không chịu đóng các loại bảo hiểm cho tôi. Vậy, tôi cần thực hiện những thủ tục gì để đóng bảo hiểm tiếp theo tại đơn vị mới?
Luật sư tư vấn:
Công ty TNHH Tư vấn LawKey Việt Nam cảm ơn anh/chị đã tin tưởng khi gửi câu hỏi đến LawKey. Với thắc mắc của anh/chị, luật sư LawKey tư vấn như sau:
Căn cứ Khoản 1 Điều 2 Luật BHXH 2014: “Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng;…”
Trường hợp của anh/chị đã ký hợp đồng lao động làm việc tại doanh nghiệp với thời hạn 01 năm từ tháng 05/2017 đến tháng 05/2018. Như vậy, theo quy định của Luật BHXH 2014 nêu trên Công ty có trách nhiệm tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho anh/chị.
Để bảo vệ quyền lợi của mình về việc Công ty không đóng BHXH, BHYT, BHTN trong thời hạn hợp đồng lao động, anh/chị có thể làm đơn gửi đến tổ chức Công đoàn của Công ty để được bảo vệ quyền lợi chính đáng. Vì theo quy định của Luật công đoàn 2012, Công đoàn có trách nhiệm hướng dẫn, tư vấn cho người lao động về quyền, nghĩa vụ của người lao động khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc với đơn vị sử dụng lao động; Tham gia, phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật về lao động, công đoàn, cán bộ, công chức, viên chức, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và chế độ, chính sách, pháp luật khác có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; điều tra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Yêu cầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp thông tin, tài liệu và giải trình những vấn đề có liên quan; Kiến nghị biện pháp sửa chữa thiếu sót, ngăn ngừa vi phạm, khắc phục hậu quả và xử lý hành vi vi phạm pháp luật;
Đồng thời, anh chị có thể thực hiện quyền khiếu nại của mình theo quy định tại Nghị định 24/2018/NĐ-CP. Theo đó, người lao động sẽ gửi khiếu nại đến người sử dụng lao động để được giải quyết khiếu nại lần đầu đối với việc Công ty không thực hiện tham gia BHXH, BHYT, BHTN.
Nếu Công ty vẫn không thực hiện tham gia BHXH, BHYT, BHTN trong hạn 30 ngày thì anh/chị gửi đơn khiếu nại đến Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính để thụ lý, giải quyết theo quy định tại Điều 15 Nghị định 24/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực lao động, giáo dục nghề nghiệp, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, việc làm, an toàn, vệ sinh lao động.
Trên đây là nội dung giải đáp về Cách xử lý khi doanh nghiệp không đóng bảo hiểm cho người lao động LawKey gửi đến bạn đọc.
Thủ tục cấp mã số APE và thủ tục đăng ký văn bản IDERA
Việt Nam là thành viên Công ước Cape Town, do đó cần tuân thủ các quy định về thủ tục cấp mã số AEP và thủ tục đăng [...]
Ai được quyền nuôi con trong lúc làm thủ tục ly hôn?
Khi cha và mẹ đang trong quá trình chờ Tòa án giải quyết ly hôn, việc phân chia tài sản và quyền nuôi con vẫn chưa được [...]