Doanh nghiệp là gì? Các loại hình doanh nghiệp hiện nay
Doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Vậy doanh nghiệp là gì? Hiện nay có những loại hình doanh nghiệp nào?
Doanh nghiệp là gì?
– Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp là một tổ chức kinh tế, có tài sản và tên riêng, có trụ sở giao dịch ổn định, được cấp Giấy đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật để thực hiện các hoạt động kinh doanh trên trị trường.
– Quá trình kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lời.
– Như vậy, doanh nghiệp là tổ chức kinh tế vị lợi, mặc dù thực tế một số tổ chức doanh nghiệp có các hoạt động không hoàn toàn nhằm mục tiêu lợi nhuận.
Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp
Quyền của doanh nghiệp
Một số quyền của doanh nghiệp được quy định theo pháp luật như:
– Tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm.
– Tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh.
– Lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn.
– Chủ động tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết hợp đồng.
– Kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu.
– Tuyển dụng, thuê và sử dụng lao động theo yêu cầu kinh doanh.
– Chủ động ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh.
– Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của doanh nghiệp.
…
Nghĩa vụ của doanh nghiệp
Một số nghĩa vụ của doanh nghiệp được quy định theo pháp luật như:
– Đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật đầu tư và bảo đảm duy trì đủ điều kiện đầu tư kinh doanh đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh.
– Tổ chức công tác kế toán, lập và nộp báo cáo tài chính trung thực, chính xác, đúng thời hạn theo quy định của pháp luật về kế toán, thống kê.
– Kê khai thuế, nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
– Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động theo quy định của pháp luật về lao động;
– Bảo đảm và chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa, dịch vụ theo tiêu chuẩn do pháp luật quy định hoặc tiêu chuẩn đã đăng ký hoặc công bố.
– Thực hiện đầy đủ, kịp thời các nghĩa vụ về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, công khai thông tin về thành lập và hoạt động, báo cáo và các nghĩa vụ khác theo quy định.
– Chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và các báo cáo; trường hợp phát hiện thông tin đã kê khai hoặc báo cáo thiếu chính xác, chưa đầy đủ thì phải kịp thời sửa đổi, bổ sung các thông tin đó.
…
Phân loại Doanh nghiệp
Theo Luật Doanh nghiệp 2020, có 5 loại hình doanh nghiệp với các đặc trưng pháp lý, hình thức tổ chức và khả năng huy động vốn khác nhau, các loại hình đó bao gồm:
– Doanh nghiệp tư nhân:
Là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động trong doanh nghiệp. Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân.
– Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên:
Là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu, chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.
– Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên:
Là doanh nghiệp, trong đó thành viên có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng thành viên không vượt quá 50. Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn cam kết góp vào doanh nghiệp.
– Công ty cổ phần:
Là doanh nghiệp mà vốn điều lệ của công ty được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần. Cá nhân hay tổ chức sở hữu cổ phần của doanh nghiệp được gọi là cổ đông và chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp.
– Công ty hợp danh:
Là loại hình doanh nghiệp mà trong đó phải có ít nhất hai thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên gọi chung là thành viên hợp danh, ngoài các thành viên hợp danh có thể có thành viên góp vốn.
Xem thêm Trình tự tiến hành họp hội đồng thành viên trong công ty hợp danh
Trên đây là bài viết “Doanh nghiệp là gì? Các loại hình doanh nghiệp hiện nay”. Nếu có thắc mắc liên hệ Lawkey để được giải đáp.
Quy định về Cơ cấu tổ chức quản lý của Hợp tác xã
Quy định về Cơ cấu tổ chức quản lý của Hợp tác xã Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách [...]
Điều kiện kinh doanh đối với hoạt động bán hàng đa cấp
Kinh doanh theo phương thức đa cấp là hoạt động kinh doanh sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, [...]