Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp thực hiện khuyến mại
Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp thực hiện khuyến mại được quy định tại Luật thương mại 2005, Nghị định 81/2018/NĐ-CP như sau
1. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp thực hiện khuyến mại
Theo quy định của Luật thương mại 2005, Nghị định 81/2018/NĐ-CP, Khuyến mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân nhằm xúc tiến việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ bằng cách dành cho khách hàng những lợi ích nhất định. Doanh nghiệp thực hiện khuyến mại là thương nhân thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trực tiếp thực hiện khuyến mại hoặc thực hiện khuyến mại thông qua các thương nhân phân phối (bán buôn, bán lẻ, đại lý, nhượng quyền thương mại và các thương nhân phân phối khác theo quy định của pháp luật);
– Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ khuyến mại thực hiện khuyến mại cho hàng hóa, dịch vụ của thương nhân khác theo thỏa thuận với thương nhân đó.
Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp thực hiện khuyến mại được quy định tại Luật thương mại 2005, Nghị định 81/2018/NĐ-CP như sau:
2. Quyền của doanh nghiệp thực hiện khuyến mại
– Lựa chọn hình thức, thời gian, địa điểm khuyến mại, hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại.
– Quy định cụ thể hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại mà thương nhân được thực hiện trong hoạt động khuyến mại được quy định tại Nghị định 81/2018/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 15 tháng 7 năm 2018) thay thế Nghị định số 37/2006/NĐ-CP.
– Thuê thương nhân kinh doanh dịch vụ khuyến mại thực hiện việc khuyến mại cho mình.
– Tổ chức thực hiện các hình thức khuyến mại quy định tại Điều 92 của Luật thương mại. Cụ thể:
+ Đưa hàng hoá mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền.
+ Tặng hàng hoá cho khách hàng, cung ứng dịch vụ không thu tiền.
+ Tổ chức cho khách hàng tham gia các chương trình văn hóa, nghệ thuật, giải trí và các sự kiện khác vì mục đích khuyến mại.
+ Các hình thức khuyến mại khác nếu được cơ quan quản lý nhà nước về thương mại chấp thuận.
3. Nghĩa vụ của doanh nghiệp thực hiện khuyến mại
3.1. Đối với thương nhân trực tiếp thực hiện khuyến mại
a. Thực hiện đầy đủ các trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật để thực hiện các hình thức khuyến mại
b. Thông báo công khai các nội dung thông tin về hoạt động khuyến mại cho khách hàng
– Tên của hoạt động khuyến mại;
– Giá bán hàng hóa, giá cung ứng dịch vụ khuyến mại và các chi phí có liên quan để giao hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại cho khách hàng;
– Tên, địa chỉ, số điện thoại của thương nhân thực hiện khuyến mại;
– Thời gian khuyến mại, ngày bắt đầu, ngày kết thúc và địa bàn hoạt động khuyến mại;
– Trường hợp lợi ích của việc tham gia khuyến mại gắn với các điều kiện cụ thể thì trong thông báo phải nêu rõ hoạt động khuyến mại đó có kèm theo điều kiện và nội dung cụ thể của các điều kiện.
Ngoài ra tùy vào hình thức khuyến mãi áp dụng mà doanh nghiệp còn phải thông báo các nội dung như sau:
– Giá bán hàng hóa, giá cung ứng dịch vụ được tặng cho khách hàng;
– Trị giá tuyệt đối hoặc phần trăm thấp hơn giá bán hàng hóa, giá cung ứng dịch vụ bình thường trước thời gian khuyến mại đối;
– Giá trị bằng tiền hoặc lợi ích cụ thể mà khách hàng được hưởng từ phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ; địa điểm bán hàng, cung ứng dịch vụ và các loại hàng hóa, dịch vụ mà khách hàng có thể nhận được từ phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ;
– Loại giải thưởng và giá trị của từng loại giải thưởng; thể lệ tham gia các chương trình khuyến mại, cách thức lựa chọn người trúng thưởng;
– Các chi phí mà khách hàng phải tự chịu.
c. Thực hiện đúng chương trình khuyến mại đã thông báo và các cam kết với khách hàng
d. Đối với một số hình thức chương trình khuyến mại mang tính may rủi, thương nhân phải trích 50% giá trị giải thưởng đã công bố vào ngân sách nhà nước trong trường hợp không có người trúng thưởng
Ngoài ra thương nhân trực tiếp thực hiện khuyến mại còn phải thực hiện các nghĩa vụ quy định tại Điều 16 Nghị định 81/2018/NĐ-CP:
– Thông báo, đăng ký thực hiện khuyến mại với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật và khách hàng về chương trình khuyến mại (trừ trường hợp thuê thương nhân kinh doanh dịch vụ);
– Cung cấp cho khách hàng, các thương nhân phân phối và các bên liên quan đầy đủ, chính xác và rõ ràng các nội dung thông tin phải thông báo công khai;
3.2. Đối với thương nhân thực hiện khuyến mại là thương nhân kinh doanh dịch vụ khuyến mại
– Tuân thủ các thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ khuyến mại nếu thương nhân thực hiện khuyến mại là thương nhân kinh doanh dịch vụ khuyến mại.
– Chịu trách nhiệm trước pháp luật và khách hàng đối với các hoạt động thuộc phạm vi hợp đồng dịch vụ khuyến mại.
Trên đây là nội dung Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp thực hiện khuyến mại LawKey gửi đến bạn đọc.
Hồ sơ chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong nước mới nhất
Hồ sơ chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước mới nhất được quy định cụ thể trong Nghị [...]
Những điều cần lưu ý khi đăng ký thành lập Công ty hợp danh
Những điều cần lưu ý khi đăng ký thành lập Công ty hợp danh Theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014, Công ty hợp danh là doanh [...]