Doanh nghiệp xã hội theo pháp luật hiện hành
Bạn đang thắc mắc doanh nghiệp xã hội là gì? Vai trò của doanh nghiệp xã hội như thế nào? Và Nhà nước có những chính sách gì đối với loại hình doanh nghiệp này?
Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho bạn các thông tin để giải đáp câu hỏi doanh nghiệp xã hội là gì và những vấn đề liên quan.
1.Doanh nghiệp xã hội là gì?
Theo quy định tại Điều 10 Luật Doanh nghiệp năm 2014, một doanh nghiệp được coi là doanh nghiệp xã hội cần đáp ứng các tiêu chí sau đây:
– Là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định của Luật doanh nghiệp
– Mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng
– Sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký.
Doanh nghiệp xã hội (có lợi nhuận và không có lợi nhuận) giống với các doanh nghiệp khác vì đều tổ chức và quản lý dưới hình thức doanh nghiệp. Tuy nhiên, điểm khác biệt ở chỗ doanh nghiệp xã hội được thành lập để giải quyết các vấn đề tồn tại của xã hội như đói nghèo, ô nhiễm môi trường, bảo vệ trẻ em..
2.Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp xã hội
Ngoài các quyền và nghĩa vụ giống như các doanh nghiệp thông thường khác, doanh nghiệp xã hội còn có các quyền và nghĩa vụ sau:
– Duy trì mục tiêu và điều kiện hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng trong suốt quá trình hoạt động; trường hợp doanh nghiệp đang hoạt động muốn chuyển thành doanh nghiệp xã hội hoặc doanh nghiệp xã hội muốn từ bỏ mục tiêu xã hội, môi trường, không sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư thì doanh nghiệp phải thông báo với cơ quan có thẩm quyền để tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật
– Chủ sở hữu doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp xã hội được xem xét, tạo thuận lợi và hỗ trợ trong việc cấp giấy phép, chứng chỉ và giấy chứng nhận có liên quan theo quy định của pháp luật
– Được huy động và nhận tài trợ dưới các hình thức khác nhau từ các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và các tổ chức khác của Việt Nam và nước ngoài để bù đắp chi phí quản lý và chi phí hoạt động của doanh nghiệp
– Không được sử dụng các khoản tài trợ huy động được cho mục đích khác ngoài bù đắp chi phí quản lý và chi phí hoạt động để giải quyết vấn đề xã hội, môi trường mà doanh nghiệp đã đăng ký
– Trường hợp được nhận các ưu đãi, hỗ trợ, doanh nghiệp xã hội phải định kỳ hằng năm báo cáo cơ quan có thẩm quyền về tình hình hoạt động của doanh nghiệp.
>>>Xem thêm Dịch vụ thành lập doanh nghiệp công ty nhanh giá rẻ tại Hà Nội
3.Vai trò của doanh nghiệp xã hội
– Cung cấp các sản phẩm, dịch vụ mang tính sáng tạo phù hợp với nhu cầu của cộng đồng có hoàn cảnh đặc biệt (người khuyết tật, người có HIV/AIDS…)
– Tạo cơ hội hòa nhập xã hội cho các cá nhân và cộng đồng yếu thế thông qua các chương trình đào tạo phù hợp, tạo cơ hội việc làm
– Đưa ra các giải pháp mới cho những vấn đề xã hội chưa được đầu tư rộng rãi như biến đổi khí hậu, năng lượng thay thế, tái chế…
4. Phân loại doanh nghiệp xã hội
Doanh nghiệp xã hội bao gồm các loại sau:
-Doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận
Các doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận thường hoạt động dưới các hình thức như: trung tâm, hội, quỹ, câu lạc bộ, tổ/nhóm tự nguyện của người khuyết tật, người chung sống với HIV/AIDS, phụ nữ bị bạo hành…Họ đưa ra những giải pháp có tính cạnh tranh cao để giải quyết những nhu cầu xã hội cụ thể, do đó có thể thu hút nguồn vốn đầu tư của những cá nhân và tổ chức đầu tư vì tác động xã hội. Các doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận làm tốt vai trò xúc tác để huy động nguồn lực từ cộng đồng để cải thiện đời sống cho những cộng động chịu thiệt thòi
-Doanh nghiệp xã hội không vì lợi nhuận
Đa số các doanh nghiệp loại này do các doanh nhân xã hội sáng lập, với sứ mệnh xã hội được công bố rõ ràng. Ngay từ đầu, doanh nghiệp đã xác định rõ sự kết hợp bền vững giữa sứ mệnh xã hội với mục tiêu kinh tế, trong đó mục tiêu kinh tế là phương tiện để đạt mục tiêu tối cao là phát triển xã hội. Lợi nhuận thu được chủ yếu để sử dụng tái đầu tư hoặc để mở rộng tác động xã hội của doanh nghiệp. Việc đưa ra các giải pháp sáng tạo và áp dụng đòn bẩy của thị trường để giải quyết vấn đề xã hội và các thách thức trong lĩnh vực môi trường là điểm khác biệt so với các tổ chức xã hội từ thiện hay các doanh nghiệp thông thường. Phần lớn các doanh nghiệp xã hội thuộc loại này có thể tự vững bằng nguồn thu từ hoạt động kinh doanh và dịch vụ của họ.
-Doanh nghiệp có định hướng xã hội, có lợi nhuận
Khác với mô hình doanh nghiệp phi lợi nhuận và không vì lợi nhuận, các doanh nghiệp xã hội ở loại hình thứ ba này ngay từ ban đầu đã nhìn thấy cơ hội và chủ trương xây dựng mình trở thành doanh nghiệp có lợi nhuận với sứ mệnh tạo động lực cho những biến đổi mạnh mẽ trong xã hội hoặc bảo vệ môi trường. Mặc dù có tạo ra lợi nhuận và cổ đông được chia lợi tức, nhưng các doanh nghiệp xã hội này không bị chi phối bởi lợi nhuận.
5.Chính sách phát triển đối với doanh nghiệp xã hội
– Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp xã hội có mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng.
– Doanh nghiệp xã hội được hưởng các ưu đãi và hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật.
– Doanh nghiệp xã hội thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ tương ứng đối với từng loại hình doanh nghiệp và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
>>> Xem thêm Điều kiện về các khoản chi được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp
>>> Xem thêm Những trường hợp doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép
Những điều cần lưu ý khi tách doanh nghiệp hiện nay
Trong quá trình hoạt động, do nhu cầu phát triển của Doanh nghiệp mà các doanh nghiệp có thể thực hiện thủ tục tách doanh [...]
Thủ tục tạm ngừng kinh doanh của Công ty Hợp danh
Thủ tục tạm ngừng kinh doanh của Công ty Hợp danh 1. Khái quát quy định về thủ tục tạm ngừng kinh doanh của Công ty Hợp [...]