Đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường theo quy định pháp luật Việt Nam hiện hành
Theo Luật thuế bảo vệ môi trường 2010 có những đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường là những sản phẩm, hàng hóa nào và được giải thích cụ thể ra sao?
Sau đây, LawKey sẽ giải đáp thắc mắc này tới quý khách hàng.
Căn cứ pháp lý:
- Luật thuế bảo vệ môi trường (Luật số 57/2010/QH12 ngày 15/11/2010)
- Nghị quyết 579/2018/UBTVQH14 ngày 26/09/2018 về Biểu thuế bảo vệ môi trường do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành
- Nghị định 67/2011/NĐ-CP ngày 08/08/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật thuế bảo vệ môi trường do Chính phủ ban hành
- Văn bản hợp nhất 32/VBHN-BTC năm 2014 hợp nhất Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định 67/2011/NĐ-CP hướng dẫn Luật thuế Bảo vệ môi trường do Bộ Tài chính ban hành
1. Thuế bảo vệ môi trường là gì?
Theo quy định của Luật thuế bảo vệ môi trường, thuế bảo vệ môi trường là loại thuế gián thu (người nộp thuế và người chịu thuế không phải là một), thu vào sản phẩm, hàng hóa (sau đây gọi chung là hàng hóa) khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường.
2. Hàng hóa phải chịu thuế bảo vệ môi trường
Theo Điều 1 Thông tư 152/2011/TT-BTC đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường gồm hàng hóa thuộc các nhóm sau:
Nhóm 1: Xăng dầu, mỡ nhờn
Xăng dầu, mỡ nhờn chịu thuế bảo vệ môi trường gồm: Xăng, trừ etanol; nhiên liệu bay; dầu diezel; dầu hỏa; dầu mazut; dầu nhờn; mỡ nhờn.
Lưu ý:
– Xăng, dầu, mỡ nhờn chịu thuế bảo vệ môi trường là các loại xăng, dầu, mỡ nhờn (sau đây gọi chung là xăng dầu) gốc hoá thạch xuất bán tại Việt Nam, không bao gồm chế phẩm sinh học (như etanol, dầu thực phẩm, mỡ động vật…).
– Đối với nhiên liệu hỗn hợp chứa nhiên liệu sinh học và xăng dầu gốc hoá thạch thì chỉ tính thu thuế bảo vệ môi trường đối với phần xăng dầu gốc hoá thạch.
Nhóm 2: Than đá
Than đá chịu thuế, gồm: Than nâu, than an-tra-xít, than mỡ; than đá khác.
Nhóm 3: Dung dịch hydro-chloro-fluoro-carbon (HCFC)
Đây là nhóm chất gây suy giảm tầng ô dôn dùng làm môi chất lạnh sử dụng trong thiết bị làm lạnh và trong công nghiệp bán dẫn, được sản xuất trong nước, nhập khẩu riêng hoặc chứa trong các thiết bị điện lạnh nhập khẩu.
Nhóm 4: Túi ni lông
Túi ni lông thuộc diện chịu thuế (túi nhựa) là loại túi, bao bì nhựa mỏng có hình dạng túi (có miệng túi, có đáy túi, có thành túi và có thể đựng sản phẩm trong đó) được làm từ màng nhựa đơn HDPE (high density polyethylene resin), LDPE (Low density polyethylen) hoặc LLDPE. Trừ bao bì đóng gói sẵn hàng hóa và túi ni lông đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường.
Bao bì đóng gói sẵn hàng hoá không phải chịu thuế bảo vệ môi trường gồm:
+ Bao bì đóng gói sẵn hàng hoá nhập khẩu.
+ Bao bì mà tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tự sản xuất hoặc nhập khẩu để đóng gói sản phẩm do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đó sản xuất, gia công ra hoặc mua sản phẩm về đóng gói hoặc làm dịch vụ đóng gói.
+ Bao bì mà tổ chức, hộ gia đình, cá nhân mua trực tiếp của người sản xuất hoặc người nhập khẩu để đóng gói sản phẩm do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đó sản xuất, gia công ra hoặc mua sản phẩm về đóng gói hoặc làm dịch vụ đóng gói.
+ Bao bì đóng gói sẵn hàng hóa mà tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tự sản xuất hoặc nhập khẩu hoặc mua trực tiếp…để đóng gói sản phẩm không bao gồm túi đựng hàng hóa khi bán hàng.
Nhóm 5: Thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng
Nhóm 6: Thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dụng
Theo phụ lục kèm theo Nghị quyết 579/2018/UBTVQH14 về biểu thuế bảo vệ môi trường thì thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dung gồm 02 loại thuốc có tên thương phẩm là PMC 90 DP, PMs 100 CP.
Nhóm 7: Thuốc bảo quản lâm sản thuộc loại hạn chế sử dụng
Thuốc bảo quan lâm sản phải chịu thuế bảo vệ môi trường gồm 02 loại thuốc có tên thương phẩm là thuốc XM5 100 bột, LN 5 90 bột,
Nhóm 8: Thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng
Các loại thuốc khử trùng kho sau đây là đối tượng chịu thuế, gồm: Thuốc Alumifos 56% Tablet, Celphos 56 % tablets, Fumitoxin 55 % tablets, Phostoxin 56% viên tròn, viên dẹt, Quickphos 56 %, Magtoxin 66 tablets, pellet; Bromine – Gas 98%, 100%, Dowfome 98 %.
Xem thêm: Những đối tượng hàng hóa, dịch vụ chịu mức thuế GTGT 10%
Trên đây là nội dung giới thiệu về các đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường theo quy định pháp luật hiện hành mà LawKey muốn gửi tới quý khách hàng. Hãy liên hệ với chúng tôi vấn đề bạn còn thắc mắc để được giải đáp.
Cách xử lý các trường hợp viết sai hóa đơn giá trị gia tăng
Nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh không biết làm thế nào khi lỡ viết sai hóa đơn GTGT. Vậy pháp luật hiện hành quy định [...]
Phân loại mức độ rủi ro của người nộp thuế
Phân loại mức độ rủi ro của người nộp thuế trong quản lý thuế được quy định như thế nào? Hãy cùng LawKey tìm hiểu [...]