Đối tượng, mức đóng và thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp
Đối tượng, mức đóng và thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp
Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Đối tượng, mức đóng và thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp được quy định tại Luật việc làm 2013 như sau:
1. Đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp được Luật việc làm quy định gồm cả người lao động và người sử dụng lao động. Trong đó:
** Người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp là người lao động làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn, xác định thời hạn, theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
** Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động thuộc diện phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Lưu ý: Trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Đối với Người lao động đang hưởng lương hưu, giúp việc gia đình thì người lao động và người sử dụng lao động không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
2. Về mức đóng bảo hiểm thất nghiệp:
Hằng tháng, người sử dụng lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo mức quy định và trích tiền lương của từng người lao động theo mức quy định để đóng cùng một lúc vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động và người sử dụng lao động được quy định như sau:
– Người lao động đóng bằng 1% tiền lương tháng;
– Người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp;
Tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thực hiện theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.
Trường hợp mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp cao hơn hai mươi tháng lương cơ sở thì mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp bằng hai mươi tháng lương cơ sở tại thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do nhà nước quy định; và bằng hai mươi tháng lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.
3. Về thời điểm tham gia bảo hiểm xã hội
Theo quy định của Luật việc làm 2013 và Nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp, Người sử dụng lao động phải lập và nộp hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp của người lao động cho tổ chức bảo hiểm xã hội trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc của người lao động thuộc đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp có hiệu lực.
Trường hợp người lao động giao kết nhiều hợp đồng lao động đều thuộc đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp và đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo hợp đồng lao động có hiệu lực đầu tiên thì khi chấm dứt hoặc thay đổi hợp đồng lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp dẫn đến người lao động không thuộc đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp của hợp đồng lao động kế tiếp theo quy định của pháp luật lao động phải lập và nộp hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp của người lao động cho tổ chức bảo hiểm xã hội trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày người lao động chấm dứt hoặc thay đổi hợp đồng lao động nêu trên.
Thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động và người lao động là thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp của người lao động trong trường hợp nêu trên nộp cùng với hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động.
Trên đây là nội dung tư vấn về đối tượng, mức đóng và thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp do LawKey tổng hợp trên cơ sở các quy định của pháp luật tại thời điểm soạn thảo. LawKey cảm ơn quý khách hàng đã sử dụng dịch vụ.
Đi làm trước khi hết thời gian nghỉ thai sản cần chú ý những gì?
Điều kiện để lao động nữ sinh con đi làm trước khi hết thời gian hưởng thai sản? Đi làm trước khi hết thời gian nghỉ [...]
Có được cộng dồn thời gian đóng Bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng
Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp khi chấm dứt hợp đồng nhưng chưa thực hiện kê khai để hưởng [...]