Quy định của pháp luật về đơn đăng ký sở hữu công nghiệp
Mọi cá nhân, tổ chức có đối tượng sở hữu công nghiệp đáp ứng điều kiện bảo hộ đều có thể đăng ký sở hữu công nghiệp đối với đối tượng đó. Vậy pháp luật quy định thế nào về đơn đăng ký sở hữu công nghiệp? Những nội dung nào cần có trong đơn này?
Các nội dung về đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được pháp luật quy định cụ thể tại Luật Sở hữu trí tuệ 2005 và các văn bản hướng dẫn như: Thông tư 01/2007/TT-BKHCN , Thông tư 16/2016/TT-BKHCN,…
Yêu cầu chung đối với đơn đăng ký sở hữu công nghiệp
Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp bao gồm các tài liệu sau đây:
– Tờ khai đăng ký theo mẫu quy định;
– Tài liệu, mẫu vật, thông tin thể hiện đối tượng sở hữu công nghiệp đăng ký bảo hộ;
– Giấy uỷ quyền, nếu đơn nộp thông qua đại diện;
– Tài liệu chứng minh quyền đăng ký, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác;
– Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên;
– Chứng từ nộp phí, lệ phí.
Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp và giấy tờ giao dịch giữa người nộp đơn và cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp phải được làm bằng tiếng Việt, trừ các tài liệu sau đây có thể được làm bằng ngôn ngữ khác nhưng phải được dịch ra tiếng Việt khi cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp yêu cầu:
– Giấy uỷ quyền;
– Tài liệu chứng minh quyền đăng ký;
– Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên;
– Các tài liệu khác để bổ trợ cho đơn.
Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên đối với đơn đăng ký sở hữu công nghiệp bao gồm:
– Bản sao đơn hoặc các đơn đầu tiên có xác nhận của cơ quan đã nhận đơn đầu tiên;
– Giấy chuyển nhượng quyền ưu tiên nếu quyền đó được thụ hưởng từ người khác.
Yêu cầu về tính thống nhất của đơn đăng ký sở hữu công nghiệp
Mỗi đơn đăng ký sở hữu công nghiệp chỉ được yêu cầu cấp một văn bằng bảo hộ cho một đối tượng sở hữu công nghiệp duy nhất, trừ các trường hợp quy định dưới đây:
– Mỗi đơn đăng ký có thể yêu cầu cấp một Bằng độc quyền sáng chế hoặc một Bằng độc quyền giải pháp hữu ích cho một nhóm sáng chế có mối liên hệ chặt chẽ về kỹ thuật nhằm thực hiện một ý đồ sáng tạo chung duy nhất.
– Mỗi đơn đăng ký có thể yêu cầu cấp một Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp cho nhiều kiểu dáng công nghiệp trong các trường hợp sau đây:
+ Các kiểu dáng công nghiệp của một bộ sản phẩm gồm nhiều sản phẩm thể hiện ý tưởng sáng tạo chung duy nhất, được sử dụng cùng nhau hoặc để thực hiện chung một mục đích;
+ Một kiểu dáng công nghiệp kèm theo một hoặc nhiều phương án là biến thể của kiểu dáng công nghiệp đó, theo ý tưởng sáng tạo chung duy nhất, không khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp đó.
– Mỗi đơn đăng ký có thể yêu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho một nhãn hiệu dùng cho một hoặc nhiều hàng hoá, dịch vụ khác nhau.
Chủ đơn đăng ký sở hữu công nghiệp
Chủ đơn đăng ký sở hữu công nghiệp (chủ đơn) là tổ chức, cá nhân nộp đơn đăng ký sáng chế, thiết kế bố trí, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý. Khi văn bằng bảo hộ sáng chế/giải pháp hữu ích, thiết kế bố trí, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu được cấp, chủ đơn sẽ được ghi nhận là chủ văn bằng bảo hộ. Khi văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý được cấp, chủ đơn được ghi nhận là người đăng ký chỉ dẫn địa lý đó.
Chủ đơn phải đáp ứng các điều kiện về quyền đăng ký sở hữu công nghiệp theo quy định về Quyền đăng ký các đối tượng sở hữu công nghiệp, Quyền đăng ký sở hữu công nghiệp theo các điều ước quốc tế, Quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý của nước ngoài và Quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí của Nhà nước. Nếu không đáp ứng các điều kiện đó, việc đăng ký sở hữu công nghiệp bị coi là không hợp lệ.
Quyền đăng ký sở hữu công nghiệp theo các điều ước quốc tế
Tổ chức, cá nhân nước ngoài đáp ứng các điều kiện để được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam có thể nộp đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tại Việt Nam theo các điều ước về hoặc liên quan đến thủ tục nộp đơn quốc tế.
– Tổ chức, cá nhân nước ngoài đáp ứng điều kiện bảo hộ gồm:
+ Cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác của pháp luật dân sự ( tổ chức, cá nhân).
+ Tổ chức, cá nhân nước ngoài đáp ứng các điều kiện hưởng sự bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
– Các điều ước quốc tế quy định nêu trên bao gồm:
+ Hiệp ước hợp tác quốc tế về Bằng sáng chế năm 1970, được sửa đổi năm 1984 (Hiệp ước PCT);
+ Thoả ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu năm 1891, được sửa đổi năm 1979 (Thoả ước Madrid) và Nghị định thư liên quan đến Thoả ước Madrid năm 1989 (Nghị định thư Madrid);
+Các điều ước quốc tế khác về hoặc liên quan đến thủ tục nộp đơn quốc tế mà Việt Nam là thành viên, kể từ thời điểm điều ước quốc tế bắt đầu có hiệu lực đối với Việt Nam.
Tổ chức, cá nhân Việt Nam có thể nộp đơn đăng ký quốc tế sở hữu công nghiệp để yêu cầu bảo hộ quyền của mình tại Việt Nam nếu điều ước quốc tế có quy định.
Quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý của nước ngoài
Cá nhân, tổ chức nước ngoài là chủ thể quyền đối với chỉ dẫn địa lý theo quy định pháp luật của nước xuất xứ có quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý đó tại Việt Nam.
Xem thêm: Gắn chỉ dẫn địa lý lên hàng hóa nhập khẩu có hợp pháp không?
Quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí của Nhà nước
Trong trường hợp sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra trên cơ sở Nhà nước đầu tư toàn bộ kinh phí, phương tiện vật chất – kỹ thuật, quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí thuộc về Nhà nước. Tổ chức, cơ quan nhà nước được giao quyền chủ đầu tư có trách nhiệm đại diện Nhà nước thực hiện quyền đăng ký nói trên.
Trong trường hợp sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra trên cơ sở Nhà nước góp vốn (kinh phí, phương tiện vật chất – kỹ thuật), một phần quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí tương ứng với tỷ lệ góp vốn thuộc về Nhà nước. Tổ chức, cơ quan nhà nước là chủ phần vốn đầu tư của Nhà nước có trách nhiệm đại diện Nhà nước thực hiện phần quyền đăng ký nói trên.
Trong trường hợp sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra trên cơ sở hợp tác nghiên cứu – phát triển giữa tổ chức, cơ quan nhà nước với tổ chức, cá nhân khác, nếu trong thoả thuận hợp tác nghiên cứu – phát triển không có quy định khác thì một phần quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí tương ứng với tỷ lệ đóng góp của tổ chức, cơ quan nhà nước trong việc hợp tác đó, thuộc về Nhà nước. Tổ chức, cơ quan nhà nước tham gia hợp tác nghiên cứu – phát triển có trách nhiệm đại diện Nhà nước thực hiện quyền đăng ký nói trên.
Tổ chức, cơ quan nhà nước thực hiện quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí theo quy định nêu trên đại diện nhà nước đứng tên chủ Văn bằng bảo hộ và thực hiện việc quản lý quyền sở hữu công nghiệp đối với các đối tượng đó, có quyền chuyển nhượng phần quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí của Nhà nước cho tổ chức, cá nhân khác với điều kiện tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng phần quyền đăng ký phải trả cho Nhà nước một khoản tiền hoặc các điều kiện thương mại hợp lý khác so với tiềm năng thương mại của sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí đó.
Trên đây là nội dung Quy định của pháp luật về đơn đăng ký sở hữu công nghiệp Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey để được tư vấn.
Quyền sử dụng trước đối tượng sở hữu công nghiệp
Pháp luật sở hữu trí tuệ đã tạo điều kiện cho các chủ thể trong trường hợp đã phát minh ra các đối tượng sở hữu [...]
Chủ thể của hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả và quyền liên quan
Hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả và quyền liên quan là hợp đồng dân sự. Do đó, nó có dấu hiệu đặc trưng là tôn [...]