Được xuất hóa đơn theo từng lần thanh toán không?
Xuất hóa đơn theo từng lần thanh toán có được không? Lập hóa đơn không đúng thời điểm bị xử phạt thế nào? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Được xuất hóa đơn theo từng lần thanh toán không?
Theo Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định thời điểm xuất hóa đơn như sau:
Thời điểm lập hóa đơn đối với bán hàng hóa (bao gồm cả bán tài sản nhà nước, tài sản tịch thu, sung quỹ nhà nước và bán hàng dự trữ quốc gia) là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
Thời điểm lập hóa đơn đối với cung cấp dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp người cung cấp dịch vụ có thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu tiền (không bao gồm trường hợp thu tiền đặt cọc hoặc tạm ứng để đảm bảo thực hiện hợp đồng cung cấp các dịch vụ: kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính, thuế; thẩm định giá; khảo sát, thiết kế kỹ thuật; tư vấn giám sát; lập dự án đầu tư xây dựng).
Trường hợp giao hàng nhiều lần hoặc bàn giao từng hạng mục, công đoạn dịch vụ thì mỗi lần giao hàng hoặc bàn giao đều phải lập hóa đơn cho khối lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ được giao tương ứng.
Đồng thời, tại Điều 5 Nghị định 209/2013/NĐ-CP quy định về thời điểm xác định thuế giá rị gia tăng như sau:
Thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
Thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc thời điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể về thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng đối với một số trường hợp đặc thù.
Như vậy, theo như các quy định trên thì việc xuất hoá đơn sẽ căn cứ vào thời điểm bàn giao, chuyển quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Các đơn vị chỉ được xuất hoá đơn theo từng lần thanh toán khi các lần thanh toán trùng với thời điểm bàn giao, chuyển quyền sở hữu theo từng hạng mục, khối lượng công trình, dịch vụ,…
Lập hóa đơn không đúng thời điểm bị xử phạt thế nào?
Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi năm 2020) quy định:
Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định. Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần.
Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó.
Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng;
Đồng thời, căn cứ khoản 2 Điều 136 Luật Quản lý thuế 2019 quy định:
Vi phạm hành chính về sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn hoặc sử dụng hóa đơn không đúng quy định dẫn đến thiếu thuế, trốn thuế thì không xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn mà bị xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế.
Dẫn chiếu đến điểm d khoản 3 Điều 5 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định:
Hành vi vi phạm về sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn thuộc trường hợp bị xử phạt theo Điều 16, Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP thì không bị xử phạt theo Điều 28 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.
Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp người nộp thuế thực hiện hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn thuộc trường hợp bị xử phạt theo Điều 16 (khai sai dẫn đến thiếu thuế), Điều 17 (trốn thuế) Nghị định 125/2020/NĐ-CP thì không bị xử phạt theo Điều 28 (hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn) Nghị định 125/2020/NĐ-CP.
Trường hợp người nộp thuế lập hóa đơn không đúng thời điểm thuộc hành vi vi phạm quy định về lập hóa đơn (Điều 24 Nghị định 125/2020/NĐ-CP) và hành vi quy định tại điểm c khoản 1 Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP thì người nộp thuế bị xử phạt về từng hành vi vi phạm theo quy định.
(Điểm a mục 4 Công văn 2768/TCT-PC năm 2021)
>>Xem thêm: Có 2 HĐLĐ trở lên thì khấu trừ thuế TNCN như thế nào?
Trên đây là bài viết tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vấn đề gì thắc mắc, vui lòng liên hệ LawKey hoặc có thể sử dụng dịch vụ Luật sư tư vấn của chúng tôi.
Quy định về ủy nhiệm lập hóa đơn điện tử
Nguyên tắc ủy nhiệm lập hóa đơn điện tử là gì? Thông báo với cơ quan thuế về việc ủy nhiệm lập hóa đơn điện tử [...]
Những lưu ý khi hóa đơn giá trị gia tăng bị mất, cháy, hỏng
Sau đây LawKey xin gửi tới bạn đọc bài viết những điều cần lưu ý khi xảy ra trường hợp hóa đơn giá trị gia tăng bị [...]