Xác định giá gốc hàng tồn kho theo chuẩn mực kế toán hiện nay
Hàng tồn kho là một loại tài sản của doanh nghiệp cần được ghi nhận trong báo báo tài chính theo chuẩn mực kế toán hiện hành.
Hàng tồn kho là những tài sản: (1) Được giữ để bán trong kỳ sản xuất, kinh doanh bình thường; (2) Đang trong quá trình sản xuất, kinh doanh dở dang; (3) Nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ để sử dụng trong quá trình sản xuất, kinh doanh hoặc cung cấp dịch vụ.
Hàng tồn kho được tính theo giá gốc. Giá gốc bao gồm: Chi phí mua, chi phí chế biến và các chi phí liên quan trực tiếp khác phát sinh để có được hàng tồn kho ở địa điểm và trạng thái hiện tại.
1.Chi phí mua
– Chi phí mua bao gồm giá mua, các loại thuế không được hoàn lại, chi phí vận chuyển, bốc xếp, bảo quản trong quá trình mua hàng và các chi phí khác có liên quan trực tiếp đến việc mua hàng tồn kho.
– Các khoản chiết khấu thương mại và giảm giá hàng mua do hàng mua không đúng quy cách, phẩm chất được trừ (-) khỏi chi phí mua.
2.Chi phí chế biến
– Chi phí chế biến bao gồm những chi phí có liên quan trực tiếp đến sản phẩm sản xuất, như chi phí nhân công trực tiếp, chi phí sản xuất chung cố định và chi phí sản xuất chung biến đổi phát sinh trong quá trình chuyển hóa nguyên liệu, vật liệu thành thành phẩm.
– Chi phí sản xuất chung cố định là những chi phí sản xuất gián tiếp, thường không thay đổi theo số lượng sản phẩm sản xuất, như chi phí khấu hao, chi phí bảo dưỡng máy móc thiết bị, nhà xưởng,… và chi phí quản lý hành chính ở các phân xưởng sản xuất.
– Chi phí sản xuất chung biến đổi là những chi phí sản xuất gián tiếp, thường thay đổi trực tiếp hoặc gần như trực tiếp theo số lượng sản phẩm sản xuất, như chi phí nguyên liệu, vật liệu gián tiếp, chi phí nhân công gián tiếp.
– Chi phí sản xuất chung cố định phân bổ vào chi phí chế biến cho mỗi đơn vị sản phẩm được dựa trên công suất bình thường của máy móc sản xuất. Công suất bình thường là số lượng sản phẩm đạt được ở mức trung bình trong các điều kiện sản xuất bình thường.
3.Chi phí liên quan trực tiếp khác
– Chi phí liên quan trực tiếp khác tính vào giá gốc bao gồm các khoản chi phí khác ngoài chi phí mua và chi phí chế biến hàng tồn kho.
– Ví dụ, trong giá gốc thành phẩm có thể bao gồm chi phí thiết kế sản phẩm cho một đơn đặt hàng cụ thể.
4.Chi phí không tính vào giá gốc hàng tồn kho
Chi phí không được tính vào giá gốc hàng tồn kho, gồm:
– Chi phí nguyên liệu, vật liệu, chi phí nhân công và các chi phí sản xuất, kinh doanh khác phát sinh trên mức bình thường;
– Chi phí bảo quản hàng tồn kho trừ các khoản chi phí bảo quản hàng tồn kho cần thiết cho quá trình sản xuất tiếp theo và chi phí bảo quản;
– Chi phí bán hàng;
– Chi phí quản lý doanh nghiệp.
5.Chi phí cung cấp dịch vụ
– Chi phí cung cấp dịch vụ bao gồm chi phí nhân viên và các chi phí khác liên quan trực tiếp đến việc cung cấp dịch vụ, như chi phí giám sát và các chi phí chung có liên quan.
– Chi phí nhân viên, chi phí khác liên quan đến bán hàng và quản lý doanh nghiệp không được tính vào chi phí cung cấp dịch vụ.
>>>Xem thêm Doanh thu,chi phí của hợp đồng xây dựng theo chuẩn mực kế toán
Bộ tiêu chí phân loại rủi ro về thuế đối với doanh nghiệp, cá nhân
Bộ tiêu chí phân loại mức độ rủi ro về thuế đối với người nộp thuế là doanh nghiệp, cá nhân được quy định như [...]
Nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính theo quý trong Công ty cổ phần
Thuế thu nhập doanh nghiệp là loại thuế trực thu đánh vào lợi nhuận của các doanh nghiệp. Vậy nộp thuế thu nhập doanh [...]