Quy định giảm trừ đối với đối tượng mua thẻ BHYT hộ gia đình 2024
Quy định giảm trừ đối với đối tượng mua thẻ BHYT hộ gia đình như thế nào? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình gồm những ai?
Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 146/2018/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 104/2022/NĐ-CP) nhóm tham gia BHYT hộ gia đình gồm các đối tượng sau:
♣ Người có tên trong cùng một hộ gia đình đăng ký thường trú hoặc những người có tên trong cùng một hộ gia đình đăng ký tạm trú, trừ những người thuộc đối tượng:
- Do người lao động và người sử dụng lao động đóng;
- Do cơ quan bảo hiểm xã hội đóng;
- Do ngân sách nhà nước đóng;
- Do người sử dụng lao động đóng.
♣ Các đối tượng sau đây được tham gia bảo hiểm y tế theo hình thức hộ gia đình:
- Chức sắc, chức việc, nhà tu hành;
- Người sinh sống trong cơ sở bảo trợ xã hội trừ đối tượng do người lao động và người sử dụng lao động đóng; do cơ quan bảo hiểm xã hội đóng; do ngân sách nhà nước đóng; do người sử dụng lao động đóng mà không được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế.
Mức giảm trừ đối với đối tượng mua thẻ BHYT hộ gia đình
Tại điểm e khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, mức đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình như sau:
Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Lưu ý: việc giảm trừ mức đóng bảo hiểm y tế theo quy định này được thực hiện khi các thành viên tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình cùng tham gia trong năm tài chính.
Hiện nay, mức lương cơ sở là 1.800.000 đồng/tháng (Điều 3 Nghị định 24/2023/NĐ-CP)
Như vậy, mức đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình như sau:
Thành viên hộ gia đình | Mức đóng BHYT hộ gia đình năm 2024(Đơn vị: VNĐ/tháng) |
Người thứ nhất | 81.000 |
Người thứ hai | 56.700 |
Người thứ ba | 48.600 |
Người thứ tư | 40.500 |
Người thứ năm trở đi | 32.400 |
Làm sao để tham gia BHYT hộ gia đình?
Để đăng ký tham gia BHYT hộ gia đình, người dân cần:
- Kê khai Mẫu TK1-TS (đối với người tham gia lần đầu hoặc có mã số BHXH nhưng chưa đủ thông tin);
- Nộp hồ sơ và đóng tiền theo phương thức đăng ký cho tổ chức dịch vụ hoặc cơ quan BHXH.
Trường hợp nộp qua Cổng Dịch vụ công thì kê khai Mẫu 01-TK ban hành kèm theo Quyết định 3510/QĐ-BHXH năm 2022.
(Điều 31 Quyết định 595/QĐ-BHXH, được sửa đổi bởi Quyết định 490/QĐ-BHXH)
Quy trình đăng ký đóng, cấp thẻ BHYT đối với người thuộc nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình
Quy trình đăng ký đóng, cấp thẻ BHYT đối với người thuộc nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình như sau:
Bước 1: Người tham gia thực hiện kê khai đầy đủ, chính xác các trường thông tin theo Mẫu 01-TK trên Cổng Dịch vụ công cho cá nhân hoặc các thành viên của HGĐ tham gia BHYT trong cùng một lần kê khai và chịu trách nhiệm đối với nội dung kê khai.
Bước 2: Hệ thống phần mềm tự động kiểm tra, đối chiếu thông tin người tham gia kê khai để xác định nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú (cấp tỉnh, cấp huyện), xác thực thông tin của chủ hộ, các thành viên HGĐ cùng đăng ký thường trú hoặc tạm trú với CSDL quốc gia về Dân cư, xác định thứ tự tham gia BHYT của từng thành viên được giảm trừ mức đóng trong CSDL BHXH Việt Nam và xác định chính xác số tiền phải đóng để người tham gia nộp tiền trực tuyến.
Trường hợp xác định nơi cư trú hoặc xác thực thông tin của chủ hộ chưa đóng đúng hoặc các thành viên không cùng đăng ký thường trú/tạm trú với CSDL quốc gia về dân cư, hệ thống phần mềm hiển thị thông báo cho người tham gia biết về địa chỉ cư trú hoặc thông tin chủ hộ chưa đúng hoặc các thành viên không cùng đăng ký thường trú/tạm trú với CSDL quốc gia về dân cư để liên hệ với cơ quan Công an hướng dẫn, điều chỉnh, sau đó thực hiện lại Bước 1 hoặc có thể đăng ký tham gia BHYT tại các tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT hoặc tại cơ quan BHXH
Bước 3: Người tham gia thực hiện nộp tiền trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công, nhận Biên lai thu tiền điện tử, nhận thông báo thời hạn trả thẻ BHYT hoặc thời hạn thẻ BHYT tiếp tục được sử dụng ngay khi giao dịch thành công.
Bước 4: Sau khi nhận được số tiền của người tham gia, Hệ thống phần mềm tự động:
- Ghi nhận số tiền vào phần mềm Kế toán tập trung và tạo lập hồ sơ đăng ký đóng, cấp thẻ BHYT trên Phần mềm tiếp nhận và quản lý hồ sơ vào mã đơn vị quản lý riêng tại cơ quan BHXH cấp tỉnh/huyện nơi người tham gia cư trú.
- Cập nhật hồ sơ, xác định thời gian tham gia, ghi quá trình đóng BHYT cho người tham gia và tổng hợp số tiền phải đóng của người tham gia (Mẫu C69-HD), xác định số tiền trích thù lao cho tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT (Mẫu D11-TS) theo quy định.
- Phân bổ ngay số tiền đã thu của người tham gia (Mẫu C83-HD), xác định số tiền chi thù lao cho tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT (Mẫu D12-TS) theo quy định.
- Tạo lập dữ liệu giá trị sử dụng thẻ BHYT cho người tham gia theo quy định.
Bước 5: Sau khi hệ thống phần mềm thực hiện Bước 4, cán bộ thu, sổ thẻ kiểm tra hồ sơ, dữ liệu, trình Giám đốc BHXH tỉnh/huyện ký số thẻ BHYT bản điện tử hoặc in thẻ BHYT bản giấy theo quy định, chuyển cán bộ tiếp nhận và trả kết quả.
Bước 6: Cán bộ tiếp nhận và trả kết quả tiếp nhận dữ liệu hoặc thẻ BHYT bản giấy, thực hiện việc phát hành, trả kết quả cho người tham gia; kết thúc quy trình giải quyết trên Phần mềm tiếp nhận và quản lý hồ sơ.
Bước 7: Người tham gia nhận thẻ BHYT bản điện tử hoặc Thẻ BHYT bản giấy theo phương thức đã đăng ký.
(Điều 5 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 3510/QĐ-BHXH năm 2022)
>>Xem thêm: Bảo hiểm thất nghiệp có được nhận 1 lần không?
Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vấn đề gì thắc mắc, vui lòng liên hệ LawKey hoặc có thể sử dụng Luật sư tư vấn của chúng tôi.
Kinh doanh vận tải hàng hóa cần điều kiện gì?
Vận tải hàng hóa là ngành kinh doanh không đang phát triển hiện nay, lưu thông hàng hóa thông suốt thúc đẩy kinh tế phát triển. [...]
Sau khi nhận bảo hiểm xã hội một lần có được tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội không?
Tóm tắt câu hỏi: Công ty tôi chuẩn bị đóng bảo hiểm cho chị A là nhân viên mới của công ty. Tuy nhiên khi được hỏi số [...]