Khái niệm giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật hiện nay
Khái niệm giao dịch dân sự được quy định tại Bộ luật dân sự 2015 là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Vậy giao dịch dân sự có những đặc điểm gì?
Khái niệm giao dịch dân sự
Điều 121 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS) xác định: Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Từ quy định này ta thấy giao dịch dân sự được xác định là kết quả của việc làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự. Tuỳ từng giao dịch cụ thể mà làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quan hệ pháp luật dân sự. Giao dịch là hành vi có ý thức của chủ thể nhằm đạt được mục đích nhất định, cho nên giao dịch dân sự là hành vi mang tính ý chí của chủ thể tham gia giao dịch, với những mục đích và động cơ nhất định.
Trong giao dịch dân sự ý chí và sự thể hiện ý chí của chủ thể tham gia giao dịch là vô cùng quan trọng. Ý chí là nguyện vọng, mong muốn chủ quan bên trong của con người mà nội dung của nó được xác định bởi các nhu cầu về sản xuất, tiêu dùng của bản thân họ.
Ý chí phải được thể hiện ra bên ngoài dưới một hình thức nhất định để các chủ thể khác có thể biết được ý chí của chủ thể muốn tham gia đã tham gia vào một giao dịch dân sự cụ thể. Bởi vậy, giao dịch dân sự phải là sự thống nhất giữa ý chí và bày tỏ ý chí. Thiếu sự thống nhất này, giao dịch dân sự có thể bị tuyên bố là vô hiệu hoặc sẽ vô hiệu.
Mục đích của giao dịch dân sự
Mục đích của giao dịch dân sự là lợi ích hợp pháp mà các bên mong muốn đạt được khi xác lập giao dịch đó. (Điều 118 Bộ luật dân sự 2015). Mục đích của giao dịch dân sự chính là hậu quả pháp lí sẽ phát sinh từ giao dịch. Nói cách khác, mục đích ở đây luôn mang tính pháp lí (mục đích pháp lí). Mục đích pháp lí (mong muốn) đó sẽ trở thành hiện thực, nếu như các bên trong giao dịch thực hiện đúng nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật.
Ví dụ: Trong hợp đồng mua bán thì mục đích pháp lí của bên mua là sẽ trở thành chủ sở hữu tài sản mua bán, bên bán sẽ nhận tiền và chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua.
Cũng có những trường hợp hậu quả pháp lí phát sinh không phù hợp với mong muốn ban đầu. Điều đó có thể xảy ra do một trong hai nguyên nhân chính:
– Nguyên nhân thứ nhất là khi giao dịch đó là bất hợp pháp.
Ví dụ: Khi người mua đã mua phải đồ trộm cắp thì không được xác lập quyền sở hữu mà có nghĩa vụ phải hoàn trả lại cho chủ sở hữu tài sản đó (người bán không phải là chủ sở hữu tài sản thì không thể chuyển giao quyền sở hữu tài sản đó cho người mua).
– Nguyên nhân thứ hai là do chính các bên không tuân thủ nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch có hiệu lực.
Ví dụ: Sau khi xác lập giao dịch, bên bán không thực hiện nghĩa vụ bàn giao vật cho nên họ phải chịu trách nhiệm dân sự.
Động cơ xác lập giao dịch dân sự
Động cơ xác lập giao dịch dân sự là nguyên nhân thúc đẩy các bên tham gia giao dịch. Động cơ của giao dịch không mang tính pháp lí. Khi xác lập giao dịch, nếu như động cơ không đạt được thì điều đó cũng không làm ảnh hưởng đến hiệu lực của giao dịch. Mục đích luôn luôn được xác định còn động cơ có thể được xác định hoặc không.
Ví dụ: Mua bán nhà ở – mục đích của người mua là quyền sở hữu nhà, còn động cơ có thể để ở, có thể để cho thuê, có thể bán lại…
Tuy nhiên, động cơ của giao dịch có thể được các bên thoả thuận và mang ý nghĩa pháp lí. Trong trường hợp này động cơ đã trở thành điều khoản của giao dịch, là một bộ phận cấu thành của giao dịch đó (như cho vay tiền để sản xuất – mục đích của người vay là quyền sở hữu số tiền nhưng họ chỉ được dùng tiền đó để sản xuất mà không được sử dụng vào hoạt động khác).
Ý nghĩa của giao dịch dân sự
Giao dịch dân sự là căn cứ phổ biến, thông dụng nhất trong các căn cứ làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự; là phương tiện pháp lí quan trọng nhất trong giao lưu dân sự, trong việc dịch chuyển tài sản và cung ứng dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của tất cả các thành viên trong xã hội. Trong nền sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường, thông qua giao dịch dân sự (hợp đồng) các chủ thể đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh và các nhu cầu khác trong đời sống hàng ngày của mình.
Trên đây là nội dung Khái niệm giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật hiện nay Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey để được tư vấn.
Xem thêm: Phân loại giao dịch dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự 2015
Tổng hợp các loại tội phạm tham nhũng
Tham nhũng là gì? Trong Bộ luật Hình sự có những tội phạm nào là tội phạm tham nhũng? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết [...]
Thời gian hưởng Chế độ ốm đau trong năm của người lao động tại doanh nghiệp
Thời gian hưởng Chế độ ốm đau trong năm của người lao động tại doanh nghiệp Theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội [...]