Giao dịch dân sự do người chưa đủ mười lăm tuổi xác lập, thực hiện
Giao dịch dân sự do người chưa đủ mười lăm tuổi xác lập có hiệu lực không? Người chưa thành niên có tự mình thực hiện giao dịch dân sự được không?
Tóm tắt câu hỏi:
A (10 tuổi) muốn mua một chiếc điện thoại di động bằng tiền tiết kiệm của A nhưng bố mẹ không đồng ý. Xin hỏi, nếu A giấu bố mẹ, tự ý đi mua điện thoại thì giao dịch mua bán điện thoại đó có được công nhận không?
Luật sư tư vấn:
Công ty TNHH Tư vấn LawKey Việt Nam cảm ơn anh/chị đã tin tưởng khi gửi câu hỏi đến LawKey. Với thắc mắc của anh/chị, luật sư LawKey tư vấn như sau:
Một số vấn đề pháp lý liên quan
Người chưa thành niên
Điều 21 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS) quy định về người chưa thành niên như sau:
– Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.
– Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.
– Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
– Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.
Đại diện theo pháp luật của cá nhân
Điều 136 BLDS quy định về những người là người đại diện theo pháp luật của cá nhân gồm:
– Cha, mẹ đối với con chưa thành niên.
– Người giám hộ đối với người được giám hộ. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định.
– Người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện theo quy định nêu trên.
– Người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Xem thêm: Khái niệm đại diện và phân loại đại diện theo Bộ luật dân sự 2015
Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự
Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
– Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
– Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
– Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.
Lưu ý, Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện nêu trên thì vô hiệu, trừ trường hợp BLDS có quy định khác.
Đối chiếu với tình huống của anh/chị
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 21 BLDS, A mới 10 tuổi được xác định là người chưa thành niên và thuộc vào trường hợp ” Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự”. Cụ thể: Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
Có thể hiểu, người từ đủ 6 tuổi trở lên chỉ được tham gia thực hiện các giao dịch phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi của cháu.
BLDS không quy định cụ thể những giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi là gồm những nội dung nào, tuy nhiên, Khoản 20 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định “Nhu cầu thiết yếu là nhu cầu sinh hoạt thông thường về ăn, mặc, ở, học tập, khám bệnh, chữa bệnh và nhu cầu sinh hoạt thông thường khác không thể thiếu cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình.” Các giao dịch phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày có thể được hiểu là các giao dịch có giá trị nhỏ, thực hiện tức thời với mục đích là để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, học tập hàng ngày không thể thiếu trong cuộc sống.
Trường hợp anh/chị hỏi cháu A 10 tuổi thực hiện giao dịch mua bán điện thoại thì không phải là phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày và không phù hợp với lứa tuổi của cháu nên không được pháp luật công nhận.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 136 BLDS, cha mẹ đối với con 10 tuổi chưa thành niên sẽ là người đại diện theo pháp luật của A. Do đó, việc A mua chiếc điện thoại mà không có sự đồng ý của cha mẹ là trái với quy định của pháp luật và giao dịch mua bán điện thoại này không được pháp luật dân sự công nhận.
Trên đây là nội dung Giao dịch dân sự do người chưa đủ mười lăm tuổi xác lập, thực hiện Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey.
Xem thêm: Giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản của người chưa thành niên
Giao dịch dân sự do người chưa thành niên xác lập có hiệu lực không?
Hưởng trợ cấp tuất một lần theo quy định pháp luật
Sau đây, LawKey xin giải đáp những thắc mắc về hưởng trợ cấp tuất một lần theo quy định pháp luật Việt Nam mới nhất [...]
Điều kiện để được hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định mới nhất
Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ [...]