Giao dịch giấy tờ có giá giữa các thành viên lưu ký
Thành viên mở tài khoản lưu ký giấy tờ có giá tại Ngân hàng Nhà nước được giao dịch giấy tờ có giá với nhau. Hoạt động này cần tuân thủ các quy định liên quan.
Căn cứ pháp lý:
– Luật các tổ chức tín dụng năm 2010
– Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung năm 2017
1.Cho vay có bảo đảm bằng cầm cố giấy tờ có giá giữa các thành viên
– Giấy tờ có giá sử dụng trong giao dịch cho vay có bảo đảm bằng cầm cố giấy tờ có giá giữa các thành viên phải là các giấy tờ có giá chưa được sử dụng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong các hoạt động nghiệp vụ tại Ngân hàng Nhà nước.
– Khi có nhu cầu cầm cố giấy tờ có giá để vay vốn của thành viên khác (bên nhận cầm cố), thành viên (bên cầm cố) gửi đến Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) 01 bộ hồ sơ gồm:
a) Đơn đề nghị xác nhận phong tỏa giấy tờ có giá (theo mẫu);
b) Hợp đồng cầm cố giấy tờ có giá giữa bên cầm cố và bên nhận cầm cố (bản chính).
– Trong thời gian cầm cố, nếu được bên nhận cầm cố đồng ý, bên cầm cố có thể đề nghị Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) kéo dài thời hạn cầm cố và/hoặc đổi giấy tờ có giá đang được Ngân hàng Nhà nước phong tỏa bằng giấy tờ có giá khác đang lưu ký tại Ngân hàng Nhà nước.
– Trường hợp bên cầm cố không thể hoàn trả đúng thời hạn toàn bộ hoặc một phần gốc, lãi khoản vay cho bên nhận cầm cố, Ngân hàng Nhà nước thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu giấy tờ có giá từ bên cầm cố sang bên nhận cầm cố theo yêu cầu bằng văn bản của bên nhận cầm cố có xác nhận của bên cầm cố (chủ sở hữu giấy tờ có giá) và biên bản xử lý nợ giữa hai bên.
– Trường hợp bên cầm cố không thực hiện nghĩa vụ và không xác nhận về việc sử dụng tài sản đảm bảo thay cho nghĩa vụ trả nợ thì việc xử lý tài sản đảm bảo thực hiện theo quy định của pháp luật.
2. Mua, bán giấy tờ có giá giữa các thành viên
– Đối với giấy tờ có giá lưu ký trực tiếp tại Ngân hàng Nhà nước
a) Thành viên được mua bán giấy tờ có giá đang lưu ký trực tiếp tại Ngân hàng Nhà nước.
b) Thành viên bán giấy tờ có giá gửi Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) các giấy tờ sau:
+ Đơn đề nghị chuyển quyền sở hữu giấy tờ có giá (theo mẫu)
+ Hợp đồng mua bán giấy tờ có giá
Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) thực hiện chuyển quyền sở hữu giấy tờ có giá từ Tài khoản giấy tờ có giá khách hàng gửi lưu ký của bên bán sang bên mua. Giấy tờ có giá được tiếp tục lưu ký tại Ngân hàng Nhà nước trừ khi bên mua có yêu cầu khác;
b) Trường hợp mua bán có kỳ hạn giấy tờ có giá, thành viên bán kỳ hạn gửi Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) các giấy tờ sau:
+ Đơn đề nghị chuyển quyền sở hữu giấy tờ có giá (theo mẫu)
+ Hợp đồng mua bán giấy tờ có giá giữa hai bên. Ngân hàng Nhà nước thực hiện chuyển quyền sở hữu giấy tờ có giá từ bên bán kỳ hạn sang bên mua kỳ hạn.
Vào ngày đáo hạn hợp đồng, căn cứ chứng từ thanh toán hợp lệ và Đơn đề nghị chuyển quyền sở hữu giấy tờ có giá của chủ sở hữu giấy tờ có giá (bên mua kỳ hạn), Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) thực hiện chuyển quyền sở hữu giấy tờ có giá từ bên mua kỳ hạn sang bên bán kỳ hạn. Các trường hợp khác, Ngân hàng Nhà nước thực hiện chuyển quyền sở hữu giấy tờ có giá theo thỏa thuận hợp pháp giữa các bên hoặc theo quy định của pháp luật.
– Đối với giấy tờ có giá đang lưu ký tại VSD, thành viên phải làm thủ tục rút giấy tờ có giá từ Tài khoản khách hàng của Ngân hàng Nhà nước tại VSD trước khi tiến hành mua bán. Việc mua bán giấy tờ có giá đang lưu ký tại VSD thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
>>>Xem thêm Sử dụng giấy tờ có giá trong nghiệp vụ thị trường tiền tệ là gì?
Hoạt động của công ty đầu tư chứng khoán riêng lẻ
Công ty đầu tư chứng khoán riêng lẻ là một trong hai hình thức của công ty đầu tư chứng khoán. Vậy hoạt động của công [...]
Khi nào con riêng được hưởng thừa kế từ cha dượng mẹ kế
Con riêng cần đáp ứng những điều kiện gì để có thể hưởng thừa kế từ bố dượng, mẹ kế? Hãy theo dõi bài viết [...]