Thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài đối với dự án không phải có quyết định chủ trương đầu tư
Trường hợp dự án đầu tư không có quyết định chủ trương đầu tư thì vẫn phải có giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài
1. Các loại dự án không phải có quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài
Các dự án đầu tư không phải xin chủ trương bao gồm:
- Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài;
- Dự án đầu tư của tổ chức kinh tế quy định tại khoản 1 điều 23 Luật Đầu tư năm 2020:
Tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hợp đồng BCC thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;
+ Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên;
+ Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên.
2. Điều kiện xin giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài
Hoạt động đầu tư cần phải đảm bảo các điều kiện sau:
- Hoạt động đầu tư ra nước ngoài phù hợp với nguyên tắc quy định tại Điều 51 của Luật Đầu tư, cụ thể:
+ Nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài nhằm khai thác, phát triển, mở rộng thị trường; tăng khả năng xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, thu ngoại tệ; tiếp cận công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực quản lý và bổ sung nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội đất nước.
+ Nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư ở nước ngoài phải tuân thủ quy định của Luật đầu tư, quy định khác của pháp luật có liên quan, pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư (sau đây gọi là nước tiếp nhận đầu tư) và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; tự chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động đầu tư ở nước ngoài.
- Hoạt động đầu tư ra nước ngoài không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh quy định tại Điều 6 của Luật Đầu tư, cụ thể:
+ Kinh doanh các chất ma túy.
+ Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật
+ Kinh doanh mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã; mẫu vật các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm Nhóm I có nguồn gốc từ tự nhiên
+ Kinh doanh mại dâm
+ Mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người
- Nhà đầu tư có cam kết tự thu xếp ngoại tệ hoặc được tổ chức tín dụng được phép cam kết thu xếp ngoại tệ để thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài; trường hợp khoản vốn bằng ngoại tệ chuyển ra nước ngoài tương đương 20 tỷ đồng trở lên và không thuộc dự án quy định tại Điều 54 của Luật Đầu tư (cụ thể: Dự án có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 20.000 tỷ đồng trở lên; Dự án yêu cầu áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định; Dự án thuộc lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, báo chí, phát thanh, truyền hình, viễn thông có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 400 tỷ đồng trở lên; Dự án đầu tư không thuộc lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, báo chí, phát thanh, truyền hình, viễn thông có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 800 tỷ đồng trở lên thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
- Có Quyết định đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 57 của Luật Đầu tư 2020 (cụ thể: Dự án của nhà đầu tư là doanh nghiệp nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Hoạt động đầu tư ra nước ngoài không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này do nhà đầu tư quyết định theo quy định của Luật này, Luật doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan)
- Có văn bản của cơ quan thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của nhà đầu tư tính đến thời điểm nộp hồ sơ dự án đầu tư
3. Trình tự thực hiện xin cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài
– Nhà đầu tư nộp hồ sơ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đồng thời đăng ký thông tin đầu tư trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài.
– Hồ sơ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận khi có đầy đủ đầu mục tài liệu. Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ hoặc có nội dung cần phải làm rõ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư để hoàn thiện hồ sơ.
– Trường hợp dự án có vốn đăng ký chuyển ra nước ngoài bằng ngoại tệ tương đương 20 tỷ đồng trở lênvà không thuộc dự án quy định tại Điều 54 của Luật Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
– Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có ý kiến bằng văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
– Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài; đồng thời sao gửi Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ quản lý ngành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi nhà đầu tư đặt trụ sở chính.
– Trường hợp hồ sơ không đáp ứng đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản thông báo từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài và nêu rõ lý do gửi nhà đầu tư.
Xem thêm: Quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài của Quốc hội
4. Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài
Hồ sơ bao gồm:
- Văn bản đăng ký đầu tư ra nước ngoài.
- Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức gồm một trong các giấy tờ sau đây: Giấy phép đầu tư; hoặc Giấy chứng nhận đầu tư; hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; hoặc quyết định thành lập.
- Các dự án đầu tư sau đây phải có tài liệu xác nhận địa điểm thực hiện dự án đầu tư:
+ Dự án năng lượng; Dự án nuôi, trồng, đánh bắt, chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy hải sản; Dự án đầu tư trong lĩnh vực khảo sát, thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản; Dự án đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất, chế biến, chế tạo; Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh bất động sản, cơ sở hạ tầng.
+ Tài liệu xác nhận địa điểm thực hiện dự án đầu tư gồm một trong các loại sau: Giấy phép đầu tư hoặc văn bản có giá trị tương đương của quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư, trong đó có nội dung xác định địa điểm và quy mô sử dụng đất; Quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; Hợp đồng trúng thầu, thầu khoán hoặc hợp đồng giao đất, cho thuê đất; hợp đồng hợp tác đầu tư, kinh doanh, trong đó xác định rõ địa điểm, quy mô sử dụng đất; Thỏa thuận nguyên tắc về việc giao đất, cho thuê đất, thuê địa điểm kinh doanh, thỏa thuận hợp tác đầu tư, kinh doanh của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tại quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư.
- Văn bản cam kết tự cân đối nguồn ngoại tệ hoặc văn bản của tổ chức tín dụng được phép cam kết thu xếp ngoại tệ cho nhà đầu tư.
- Đối với dự án đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, khoa học và công nghệ, nhà đầu tư nộp văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đáp ứng điều kiện đầu tư ra nước ngoài theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, Luật chứng khoán, Luật khoa học và công nghệ, Luật kinh doanh bảo hiểm.
- Văn bản của cơ quan thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của nhà đầu tư tính đến thời điểm nộp hồ sơ dự án đầu tư.
Trên đây là nội dung bài viết Thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài đối với dự án không phải có quyết định chủ trương đầu tư. Nếu có thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ Lawkey để được giải đáp chi tiết.
Hợp đồng vận chuyển tài sản là gì? theo quy định của pháp luật
Hợp đồng vận chuyển tài sản là gì? Hợp đồng vận chuyển tài sản có những đặc điểm pháp lí đặc trưng gì để phân [...]
Các loại giấy tờ có giá được lưu ký tại Ngân hàng Nhà nước
Giấy tờ có giá được lưu ký tại Ngân hàng Nhà nước là các loại giấy tờ có giá do các cơ quan có thẩm quyền của Nhà [...]