Tìm hiểu về giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cấp sau
GIẤY CHỨNG NHẬN XUẤT XỨ HÀNG HÓA CẤP SAU
Theo quy định của pháp luật, trong trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa vào thời điểm xuất khẩu, nếu thương nhân có đề nghị cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cấp sau thì cơ quan có thẩm quyền phải xem xét giải quyết. Bài viết này sẽ giúp các bạn tìm hiểu các quy định của pháp luật về giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cấp sau.
(Đọc bài viết để hiểu Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa là gì?)
1.Hiệu lực của giấy chứng nhận hàng hóa cấp sau.
Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa sẽ được cấp khi thương nhân có đề nghị và thực hiện đầy đủ, hợp lệ các giấy tờ chứng từ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cá biệt, việc xin giấy chứng nhận xuất xứ hàng có thể thực hiện sau khi đã xuất khẩu hàng hóa. Vậy trong trường hợp này, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa có hiệu lực như thế nào?
Theo quy định của pháp luật hiện nay, “trong trường hợp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa không được cấp vào thời điểm xuất khẩu, Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được phép cấp sau và có giá trị hiệu lực tính từ thời điểm giao hàng nhưng không quá 1 năm kể từ ngày giao hàng và phải được đóng dấu “ISSUED RETROACTIVELY/ ISSUED RETROSPECTIVELY” lên Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa”(khoản 1 Điều 17 Nghị định 31/2018/NĐ-CP). Như vậy, giá trị hiệu lực của giấy chứng nhận hàng hóa được phép cấp sau có hiệu lực không quá 1 năm tình từ thời điểm giao hàng. Tuy nhiên, để có hiệu lực đòi hỏi giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được phép cấp sau phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đóng dấu “ISSUED RETROACTIVELY/ ISSUED RETROSPECTIVELY”
2.Hồ sơ đề nghị giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được phép cấp sau.
Hồ sơ đề nghị giấy chứng hàng hóa được phép cấp sau được thực hiện giống với hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa lần đầu (Xem hồ sơ cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa lần đầu), hoặc cho sản phẩm mới xuất khẩu lần đầu. Theo quy định của pháp luật, hồ sơ bao gồm các chứng từ sau đây:
“a) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được kê khai hoàn chỉnh và hợp lệ theo Mẫu số 04 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Mẫu Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa tương ứng đã được khai hoàn chỉnh;
c) Bản in tờ khai hải quan xuất khẩu. Trường hợp hàng hóa xuất khẩu không phải khai báo hải quan theo quy định của pháp luật không cần nộp bản sao tờ khai hải quan;
d) Bản sao hóa đơn thương mại (đóng dấu sao y bản chính của thương nhân);
đ) Bản sao vận tải đơn hoặc bản sao chứng từ vận tải tương đương (đóng dấu sao y bản chính của thương nhân) trong trường hợp thương nhân không có vận tải đơn. Thương nhân được xem xét không cần nộp chứng từ này trong trường hợp xuất khẩu hàng hóa có hình thức giao hàng không sử dụng vận tải đơn hoặc chứng từ vận tải khác theo quy định của pháp luật hoặc thông lệ quốc tế;
e) Bảng kê khai chi tiết hàng hóa xuất khẩu đạt tiêu chí xuất xứ ưu đãi hoặc tiêu chí xuất xứ không ưu đãi theo mẫu do Bộ Công Thương quy định;
g) Bản khai báo xuất xứ của nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp nguyên liệu có xuất xứ hoặc hàng hóa có xuất xứ được sản xuất trong nước theo mẫu do Bộ Công Thương quy định trong trường hợp nguyên liệu đó được sử dụng cho một công đoạn tiếp theo để sản xuất ra một hàng hóa khác;
h) Bản sao Quy trình sản xuất hàng hóa (đóng dấu sao y bản chính của thương nhân);
i) Trong trường hợp cần thiết, cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa kiểm tra thực tế tại cơ sở sản xuất của thương nhân theo quy định tại Khoản 1 Điều 28 Nghị định này; hoặc yêu cầu thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa nộp bổ sung các chứng từ dưới dạng bản sao (đóng dấu sao y bản chính của thương nhân) như: Tờ khai hải quan nhập khẩu nguyên liệu, phụ liệu dùng để sản xuất ra hàng hóa xuất khẩu (trong trường hợp có sử dụng nguyên liệu, phụ liệu nhập khẩu trong quá trình sản xuất); hợp đồng mua bán hoặc hóa đơn giá trị gia tăng mua bán nguyên liệu, phụ liệu trong nước (trong trường hợp có sử dụng nguyên liệu, phụ liệu mua trong nước trong quá trình sản xuất); giấy phép xuất khẩu (nếu có); chứng từ, tài liệu cần thiết khác.”
3.Trường hợp áp dụng giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được phép cấp sau.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 17 Nghị định 31/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 08/03/2018 Quy định chi tiết Luật quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa, giấy chứng nhận hàng hóa cấp sau áp dụng “trong trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được phép cấp sau, thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa thực hiện theo quy định của Bộ Công Thương hướng dẫn Điều ước quốc tế đó”.
Từ quy định trên, chúng ta xác định được khi Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định về giấy chứng nhận được phép cấp sau thì thương nhân có thể tiến hành thực hiện hồ sơ để xin cấp chứng từ này. Khi kí kết và gia nhập một Điều ước quốc tế, nước gia nhập sẽ phải thực hiện các quy định của Điều ước quốc tế đó trên lãnh thổ quốc gia mình. Vì vậy, các quy định liên quan đến giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được phép cấp trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên sẽ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền hướng dẫn áp dụng. Trong trường hợp này, Bộ công thương với tư cách là cơ quan quản lý đối với hoạt động ngoại thương sẽ ban hành văn bản hướng dẫn các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa thực hiện cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được phép cấp sau khi thương nhân có đề nghị.
Trên đây là những quy định của pháp luật về giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cấp sau, Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có vấn đề gì mà Bạn đọc chưa hiểu rõ hãy lên hệ với Lawkey gặp luật sư để được giải đáp cụ thể hơn.
Chế độ hưu trí khi nghỉ hưu trước tuổi theo pháp luật hiện hành
Khi nào người lao động được hưởng chế độ hưu trí khi nghỉ hưu trước tuổi và mức hưởng như thế nào Luật bảo [...]
Những điều cần biết về dịch vụ tư vấn, quản lý bất động sản
Khi kinh doanh dịch vụ bất động sản dưới hình thức dịch vụ tư vấn bất động sản hay dịch vụ quản lý bất động [...]